Truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam trong việc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc luôn "lấy dân làm gốc", dựa vào dân và biết phát huy sức mạnh của nhân dân tạo thành sức mạnh của toàn dân tộc.
Truyền thống lịch sử của dân tộc Việt Nam trong việc bảo vệ và xây dựng Tổ quốc luôn “lấy dân làm gốc”, dựa vào dân và biết phát huy sức mạnh của nhân dân tạo thành sức mạnh của toàn dân tộc. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ:“Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân để thực hành những công việc nên làm, những công việc mà Đảng, Chính phủ giao cho”. Đối tượng của công tác dân vận là nhân dân, mục tiêu của công tác dân vận là mục tiêu chung của cách mạng.
Đảng ta luôn xác định công tác dân vận là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược đối với sự nghiệp cách mạng của đất nước. Qua các thời kỳ, dưới sự lãnh đạo của Đảng, công tác dân vận đã có những đóng góp to lớn cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Trên địa bàn Đồng Nai trong thời gian qua, các cấp ủy Đảng đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai quán triệt nghiêm túc và cụ thể hóa việc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận; quan tâm chỉ đạo giải quyết những bức xúc của nhân dân. Hệ thống dân vận, MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở được củng cố, kiện toàn ngày càng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới; công tác tập hợp và nâng cao chất lượng đoàn viên, hội viên được chú trọng; phát huy tinh thần dân chủ, tiềm năng, sức sáng tạo của các tầng lớp nhân dân. Vai trò, vị trí của công tác dân vận ngày càng được khẳng định và nâng cao đã góp phần quan trọng tạo sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân, phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội và giữ vững quốc phòng - an ninh, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân.
Sau hơn 25 năm thực hiện công cuộc đổi mới với yêu cầu, nhiệm vụ mới, ngày 3-6-2013, Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) đã ban hành Nghị quyết 25-NQ/TW về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới”.
Yêu cầu, nhiệm vụ mới đòi hỏi các cấp, các ngành cần tập trung triển khai, quán triệt Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về công tác dân vận. Trước tiên, cần quán triệt sâu sắc hơn nữa các quan điểm của Đảng, tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành và mỗi cán bộ, đảng viên.
Đổi mới phương thức lãnh đạo và nâng cao hơn nữa vai trò công tác dân vận của Đảng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tập trung kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động đi đôi với nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của MTTQ, các đoàn thể, nhất là ở cơ sở. Đặc biệt, xác định giải pháp đột phá là tăng cường công tác dân vận của cơ quan Nhà nước, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân trong giám sát, phản biện, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Nâng cao trách nhiệm, ý thức phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức Nhà nước. Mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải gương mẫu, tận tụy, nói đi đôi với làm để nhân dân tin tưởng, noi theo.
Một vấn đề nữa là, nâng cao chất lượng các phong trào thi đua yêu nước gắn với phong trào thi đua “Dân vận khéo”, thực hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, “Chung tay xây dựng nông thôn mới”...
Viên Hồng Tiến