831 triệu đồng là toàn bộ số tiền mà 3 hộ nông dân trong tỉnh Đồng Nai có thể vay được sau 3 năm thực hiện cho vay Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15-10-2010 và Quyết định 65 (ban hành cuối năm 2012, sửa đổi một số điều trong Quyết định 63) của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản.
831 triệu đồng là toàn bộ số tiền mà 3 hộ nông dân trong tỉnh Đồng Nai có thể vay được sau 3 năm thực hiện cho vay Quyết định số 63/2010/QĐ-TTg ngày 15-10-2010 và Quyết định 65 (ban hành cuối năm 2012, sửa đổi một số điều trong Quyết định 63) của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản. Số tiền này được 3 nông dân dùng để mua máy thu hoạch lúa, bắp - một con số quá nhỏ, nếu so với gần 18 ngàn tỷ đồng dư nợ trên lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn của Đồng Nai. Phó chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Phúc luôn phải nhắc đi nhắc lại trong các buổi họp với ngành ngân hàng, rằng phải làm sao để gỡ bớt vướng mắc cho nông dân, để đồng vốn được xoay chuyển đúng chỗ, khi nhu cầu vay quá nhiều mà thủ tục ràng buộc lại như một chiếc “vòng kim cô” chắc chắn.
Chiếc “vòng kim cô” ở đây không nằm ở chỗ quy định thủ tục của các ngân hàng, hay sự ngại ngần của ngân hàng trước nông dân, mà nằm ở quy định chỉ hỗ trợ (vốn vay và lãi suất) đối với máy nông nghiệp có tỷ lệ nội địa hóa từ 60% trở lên.
Điều này không khác gì đánh đố nông dân. Trước hết, họ không phải là những nhà sản xuất máy nông nghiệp, họ chỉ đi mua, và chỉ riêng việc tìm cho ra dòng máy, nhãn hiệu máy nào đạt được tỷ lệ nội địa hóa trên 60% cũng đã là việc quá khó khăn. Thứ hai, ở góc độ nhà sản xuất, tỷ lệ nội địa hóa 60% là một “tỷ lệ trong mơ” mà ngay cả những nhà sản xuất máy công nghiệp sừng sỏ nhất cũng hiếm ai đạt được, vì ai cũng hiểu rằng công nghệ, máy móc của Việt Nam cho đến nay vẫn đang tập đi những bước đầu tiên. Hầu hết máy móc dùng trong nông nghiệp hiện tại được mua từ Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Thái Lan... với các tính năng vượt trội, như: thu hoạch nhanh, hao hụt thấp, chưa kể những lợi thế về giá, tiêu hao nhiên liệu, độ bền... mà máy móc trong nước tạm thời chưa thể đáp ứng.
Vậy nên không chỉ ở Đồng Nai, hầu hết các địa phương khác trong cả nước đều lúng túng khi thực hiện cho vay theo Quyết định 63, số nông dân vay được vốn chỉ đếm trên đầu ngón tay.
Mọi sự có vẻ khả quan hơn khi Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14-11-2013 về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp, với những nội dung bổ sung sửa đổi quan trọng thay thế cho các Quyết định số 63 và 65/2010/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông sản, thủy sản ban hành từ năm 2010. Có thể xem đây là những điều chỉnh chính sách tích cực, tháo gỡ một cách căn bản những vướng mắc, tác động trực tiếp đến việc nâng cao hiệu quả, chất lượng sản xuất nông nghiệp, biểu hiện sự quan tâm đến lợi ích thiết thực của nông dân.
Theo quyết định mới, đối tượng mua sắm máy móc thiết bị được mở rộng thông thoáng cả về chủng loại và phạm vi, bao gồm “các loại máy, thiết bị mới, chất lượng phù hợp tiêu chuẩn công bố theo quy định pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hóa”, kể cả hướng mục tiêu hỗ trợ đến những lĩnh vực công nghệ mới, bảo vệ môi trường, như hệ thống thiết bị tưới tiết kiệm nước trong sản xuất nông nghiệp… mà không ràng buộc về tỷ lệ nội địa hóa.
Nhiều nông dân thở phào, hy vọng có thể vay được tiền từ nguồn hỗ trợ này, với lãi suất thấp và thời gian hỗ trợ dài hơn.
Vi Lâm