Có lẽ chưa khi nào, vấn đề quản lý hành nghề y tế tư nhân lại nóng như thời gian qua. Nóng là bởi có quá nhiều vụ việc tiêu cực xảy ra trên lĩnh vực này, gây bức xúc dư luận nhưng dường như ngành chức năng vẫn thiếu giải pháp căn cơ để giải quyết.
Có lẽ chưa khi nào, vấn đề quản lý hành nghề y tế tư nhân lại nóng như thời gian qua. Nóng là bởi có quá nhiều vụ việc tiêu cực xảy ra trên lĩnh vực này, gây bức xúc dư luận nhưng dường như ngành chức năng vẫn thiếu giải pháp căn cơ để giải quyết. Thậm chí khi bác sĩ hành nghề ở cơ sở y tế tư nhân gây chết người, rất nhiều lý do đã được đưa ra để bao biện và trái bóng trách nhiệm đẩy tới đẩy lui không biết thuộc về ai!
Không phải tới vụ bác sĩ Nguyễn Mạnh Tường thì câu chuyện quản lý trên lĩnh vực hành nghề y tế tư nhân mới bộc lộ nhiều bất cập. Trước đó, hàng loạt sai phạm của những cơ sở này đã được dư luận cùng các phương tiện truyền thông bóc mẽ, như: hành nghề vượt quá chuyên môn cho phép; lạm dụng cận lâm sàng; quảng cáo không đúng khả năng; lạm thu viện phí... Đặc biệt, không ít cơ sở trong số đó dù đã bị xử phạt nhiều lần nhưng vẫn ung dung tồn tại, bởi thực tế số tiền phạt so với lợi nhuận thu được không đáng là bao. Vậy nên, dù không có bác sĩ giỏi như quảng cáo, không có đủ trang thiết bị y tế hiện đại, thiếu ê-kíp thực hiện phẫu thuật... cơ sở y tế ngoài công lập vẫn thực hiện tất tần tật nếu có yêu cầu.
Theo Bộ Y tế, hiện cả nước có 157 bệnh viện tư nhân, hơn 30 ngàn phòng khám tư nhân đang hoạt động. Hệ thống y tế này hàng năm đã cấp cứu, khám chữa bệnh cho khoảng 6,6 triệu lượt bệnh nhân, trong đó có hơn 2 triệu lượt khám bảo hiểm y tế, đồng thời điều trị miễn phí cho hơn 22 ngàn lượt người nghèo. Đây là những con số rất có ý nghĩa trong điều kiện hệ thống y tế công lập còn nhiều khó khăn, tình trạng quá tải thường xuyên diễn ra gây bức xúc cho người bệnh. Tuy nhiên, do công tác quản lý còn lỏng lẻo nên các cơ sở y tế tư nhân dễ lợi dụng kẽ hở để trục lợi, bất chấp tính mạng người bệnh. Điều này cũng đã được Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến thừa nhận trong một hội nghị mới đây: “Mặc dù ngành đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật về khám, chữa bệnh, đặc biệt là ở hệ thống y tế ngoài công lập, nhưng lực lượng thanh tra của ngành hiện không đủ về số lượng lẫn chất lượng dẫn đến các cơ sở này hoạt động vượt quá chức năng cho phép. Bên cạnh đó, vấn đề y đức cũng rất đáng báo động”.
Tại Đồng Nai, hiện có khoảng 3 ngàn cơ sở hành nghề y dược tư nhân đang hoạt động, nhưng chỉ có 6 thanh tra viên thực hiện nhiệm vụ thanh, kiểm tra. Như vậy, nếu lực lượng này hoạt động hết công suất, làm việc cả ngày nghỉ thì cũng phải mất ít nhất đến 3 năm, một cơ sở y tế tư nhân mới quay vòng đến lượt kiểm tra. Do đó, xem ra giải pháp tăng cường lực lượng thanh tra viên trong công tác quản lý y tế tư nhân không phải là giải pháp hữu hiệu mà quan trọng hơn vẫn là việc chấn chỉnh quy trình cấp phép, hậu kiểm, phối hợp kiểm tra với chính quyền địa phương và tạo cơ chế cho người dân tham gia giám sát.
Minh Ngọc