Báo Đồng Nai điện tử
En

Trong vòng xoáy FTAs

11:12, 08/12/2013

Có vẻ như Việt Nam đang tìm cách để được gọi tên trong việc thiết lập, đàm phán, thỏa thuận những hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương (FTA) ở khắp nơi.

Có vẻ như Việt Nam đang tìm cách để được gọi tên trong việc thiết lập, đàm phán, thỏa thuận những hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương (FTA) ở khắp nơi.

Thống kê từ wikipedia tiếng Việt cho biết, tính đến nay, Việt Nam đã ký kết một FTA song phương và trên phạm vi đa phương, Việt Nam đã cùng ASEAN ký kết, triển khai thực hiện 3 hiệp định FTAs. Hiện tại, chúng ta vẫn đang trên bàn đàm phán thêm một FTA quan trọng là TPP - Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, vốn dĩ đang là vấn đề thời sự nóng bỏng trong hơn 1 năm qua. Ngoài TPP là FTA với EU, cũng đang trong giai đoạn đàm phán.

Với mỗi FTA, chúng ta buộc phải “lùi” và “tiến” hợp lý tùy theo mục đích và yêu cầu của nội dung hiệp định. Thuận lợi ai cũng thấy là hàng Việt Nam xuất khẩu sẽ thuận lợi hơn với thuế suất có thể bằng 0 đối với thị trường các nước đã ký FTA. Nếu các FTAs đang đàm phán sẽ thuận lợi và nhanh chóng được áp dụng trong 1-2 năm tới, thì hầu như hàng Việt Nam đi Mỹ, Nhật, châu Âu, ASEAN, Hàn Quốc… đều được hưởng lợi về thuế quan.

Song ngược lại, phải chấp nhận việc hàng hóa của những quốc gia nói trên vào Việt Nam với mức thuế bằng 0. Xe hơi, hàng tiêu dùng, thực phẩm, rau củ quả… ngoại nhập sẽ tràn ngập với giá rẻ và chủng loại đa dạng. Trong đó, nhiều chuyên gia lo ngại, các FTAs sẽ chạm vào “yếu huyệt” của Việt Nam là thị trường nông nghiệp - nơi đang được ngợi ca là “trụ đỡ” của nền kinh tế.

Lo ngại là bởi hàng triệu nông dân và doanh nghiệp liên quan đến nghề nông, đã kịp chuẩn bị những gì cho một thị trường đầy rẫy nông sản ngoại với thuế suất bằng 0 trong vòng 1-2 năm tới? Đơn cử là mặt hàng thịt. Hiện tại, thuế nhập khẩu đang áp cho nhóm thịt và phụ phẩm ăn được từ trâu, bò, gà, vịt… ở mức 10-27% tùy loại, vậy mà thịt trong nước đã khó cạnh tranh, nhiều giai đoạn nông dân và doanh nghiệp đều kêu cứu và Chính phủ vài lần phải tăng thuế trong phạm vi cho phép để bảo vệ ngành chăn nuôi trong nước. Nhưng ai cũng hiểu, đây không phải là kế lâu dài. Có vẻ như thịt trong nước vẫn đang “bám víu” lấy thói quen dùng “thịt nóng” của người tiêu dùng để duy trì thị trường, chứ chưa có một phương cách cạnh tranh lâu bền trước những thách thức mà các FTAs mang lại cho thị trường nông sản.

Câu chuyện của thịt sẽ tái diễn trên trái cây, rau củ quả, các sản phẩm chế biến từ nông sản… của Việt Nam. Đã có quá nhiều phân tích, lo ngại cho ngành nông nghiệp, bởi một khi rơi vào vòng xoáy FTAs, chúng ta buộc phải chấp nhận tất cả các luật chơi công bằng, không thiên vị. Mỗi quốc gia có thế mạnh riêng, hẳn Việt Nam cũng thế. Song, thế mạnh ấy được tận dụng ra sao cho 1-2 năm tới, là câu hỏi lớn không dễ trả lời với những người làm chính sách, với doanh nghiệp, nông dân.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều