Theo thống kê của ngành lao động – thương binh và xã hội, trong số khoảng 800 ngàn lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp ở Đồng Nai, có xấp xỉ 50% là lao động ngoại tỉnh.
Theo thống kê của ngành lao động – thương binh và xã hội, trong số khoảng 800 ngàn lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp ở Đồng Nai, có xấp xỉ 50% là lao động ngoại tỉnh. Cứ cho rằng mỗi dịp tết có 1/3 số lao động này trở về quê, phải cần đến 3 ngàn chuyến xe loại 45 chỗ đưa đi và đón về. Phần lớn người lao động đều chọn thời điểm cận tết mới trở về, càng tăng thêm áp lực về giao thông, từ đó kéo theo một số hệ lụy không mong muốn, như tai nạn giao thông, giá vé tàu xe tăng cao, nạn kẹt xe, “chặt chém” trên các tuyến đường… Bên cạnh đó, theo tập quán lao động về quê thường phải mua sắm quà cáp cho gia đình, họ hàng. Nếu tính bình quân một lao động chi tiêu khoảng 2 triệu đồng cho chi phí đi lại, quà cáp, thì đã có khoảng 266 tỷ đồng “bay vèo” chỉ trong một cái tết. Đó là chưa kể đến số lao động tự do, học sinh, sinh viên.
Sum họp bên gia đình trong những ngày đầu năm mới, đó là nét văn hóa truyền thống của người Á Đông, và là nhu cầu chính đáng của người lao động sau một năm xa quê để mưu sinh. Thấu hiểu nhu cầu này, các ngành, các cấp đã hết sức quan tâm đáp ứng. Vào dịp tết, các phương tiện giao thông, như: máy bay, tàu lửa, xe đò… đều được tăng cường tối đa. Nhiều tổ chức, đoàn thể cũng có các hoạt động hỗ trợ người lao động về quê, như tặng vé xe, hợp đồng với các phương tiện đưa đón. Thế nhưng, trước nhu cầu quá lớn, tất cả đều như muối bỏ biển. Hàng năm, những vấn đề bất cập trong việc đi lại dịp tết lại dấy lên sự bức xúc trong xã hội, nhiều giải pháp được đưa ra nhưng vẫn chưa thể giải quyết được.
Theo GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, văn hóa không phải là một yếu tố bất biến, mà luôn có sự chắt lọc, thay đổi cho phù hợp với bối cảnh. Trước kia người dân sống bằng nông nghiệp, ít xa quê hương bản quán, có điều kiện xum vầy với người thân trong dịp tết. Nhưng ngày nay, thế giới đã “phẳng” hơn, vì nhiều lý do con người đã “bay” khắp mọi miền đất nước, thậm chí ra cả nước ngoài để học tập, làm việc, sinh sống, thì tập quán phải xum họp gia đình trong đúng dịp tết như trước kia cũng cần giản lược bớt cho phù hợp với nhịp sống công nghiệp hiện đại. Sẽ là điều lãng phí và bất hợp lý lý nếu như người lao động làm việc quần quật, chắt bóp dành dụm vất vả suốt cả năm chỉ để tiêu vèo trong mấy ngày tết.
Để hợp lý hơn, bên cạnh các giải pháp điều tiết, hỗ trợ của Nhà nước, tổ chức, đoàn thể, người lao động xa quê có thể góp phần giảm bớt áp lực quá tải trong lưu thông ngày tết bằng cách điều chỉnh thời gian về quê. Sum họp gia đình, có thể chọn các dịp khác trong năm, như: lễ 30-4, Quốc khánh 2-9… kết hợp với nghỉ phép năm, không chỉ giảm bớt áp lực giao thông, hạn chế rủi ro, tai nạn mà còn là cách chi tiêu tiết kiệm cho túi tiền vốn eo hẹp. Không phải chỉ có ngày tết, mà bất cứ dịp nào, tình cảm gia đình vẫn có thể được kết nối bền chặt.
Thanh Thúy