Báo Đồng Nai điện tử
En

Không chủ quan với dịch bệnh

10:02, 19/02/2014

Đến thời điểm này, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở 14 tỉnh trong cả nước và khả năng lây lan được dự báo còn gia tăng hơn nữa. Chưa có khi nào dịch bệnh lại biến thể với nhiều chủng cúm nguy hiểm từ gia cầm có nguy cơ lây lan sang người đáng báo động như hiện nay.

Đến thời điểm này, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở 14 tỉnh trong cả nước và khả năng lây lan được dự báo còn gia tăng hơn nữa. Chưa có khi nào dịch bệnh lại biến thể với nhiều chủng cúm nguy hiểm từ gia cầm có nguy cơ lây lan sang người đáng báo động như hiện nay. Điều này đòi hỏi phải có sự chủ động phòng ngừa của ngành chức năng và đặc biệt là người dân trước diễn biến bất thường của dịch bệnh.

Đến thời điểm này, dịch cúm gia cầm đã xuất hiện ở 11 tỉnh, thành trong cả nước và khả năng lây lan được dự báo còn gia tăng hơn nữa. Chưa có khi nào, dịch bệnh lại biến thể với nhiều chủng cúm nguy hiểm từ gia cầm có nguy cơ lây lan sang người đáng báo động như hiện nay. Điều này đòi hỏi phải có sự chủ động phòng ngừa của ngành chức năng và đặc biệt là người dân trước diễn biến bất thường của dịch bệnh.

Để chủ động ứng phó với dịch bệnh, Bộ Nông nghiệp - phát triển nông thôn đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng virus cúm nguy hiểm có khả năng lây sang người. Mục tiêu mà kế hoạch đề ra là phải giảm thiểu nguy cơ virus cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam qua hoạt động nhập lậu gia cầm, sản phẩm gia cầm; phát hiện sớm, xử lý kịp thời ngay khi virus cúm A/H7N9 xâm nhập vào Việt Nam; giảm thiểu nguy cơ virus cúm A/H7N9 lây nhiễm cho đàn gia cầm và người. 4 tình huống cụ thể cũng đã được đề ra  nhằm chủ động ứng phó, đề phòng với dịch bệnh.

Cuối tuần qua Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Công điện gửi các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tập trung phòng chống dịch cúm gia cầm và các chủng virus cúm gia cầm lây sang người. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường thực hiện công tác phòng chống dịch cúm gia cầm; triển khai quyết liệt, kiểm tra sát sao việc thực hiện “Kế hoạch hành động phòng chống dịch cúm A/H7N9 tại Việt Nam” và các biện pháp phòng chống các chủng virus cúm khác. Tập trung triển khai thực hiện các biện pháp để ngăn chặn sự xâm nhập và lây lan của virus A/H7N9 và các chủng virus cúm gia cầm khác vào Việt Nam.

Dù Đồng Nai chưa xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm nhưng nguy cơ lây lan dịch là rất cao khi địa phương có đàn gia cầm lớn vào loại nhất nước, lại là nơi giao thương với nhiều tỉnh, thành trọng điểm của khu vực phía Nam. Thêm vào đó, Đồng Nai cũng là tỉnh nhiều năm liền có diễn biến dịch bệnh khá phức tạp do có số dân nhập cư đông đảo đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau trong cả nước. Đặc biệt, vào thời điểm này, khi công nhân mới trở lại làm việc sau thời gian nghỉ tết nên khả năng lây nhiễm nhiều loại dịch bệnh là khó tránh khỏi. Ngành y tế đang lo lắng bởi các chủng cúm mới khá phức tạp, khó chẩn đoán và nguy cơ tử vong cao. Chính vì thế, ngành đã chỉ đạo các cơ sở điều trị phải rà soát lại số giường bệnh, cơ số thuốc để  đáp ứng yêu cầu nếu xảy ra dịch trên diện rộng. Biện pháp hữu hiệu được ngành y tế khuyến cáo người dân trong lúc này là không nên ăn gia cầm không rõ nguồn gốc, gia cầm chết bệnh; đảm bảo ăn chín uống sôi; giữ gìn vệ sinh cơ thể và môi trường sống một cách tốt nhất để chủ động phòng bệnh. Đặc biệt, người dân cần tránh tư tưởng chủ quan bởi các chủng cúm mới khá nguy hiểm, có độc lực cao và khả năng lây lan lớn.

Minh Ngọc

 

Tin xem nhiều