Thời đại công nghệ thông tin, chỉ cần một cái vuốt nhẹ, cả thế giới hiện ra trên màn hình thiết bị cầm tay. Người trẻ giờ đây quen viết thư bằng email, trao đổi, giao tiếp nhiều bằng điện thoại, tin nhắn, facebook... và bận rộn với những dự án số.
Thời đại công nghệ thông tin, chỉ cần một cái vuốt nhẹ, cả thế giới hiện ra trên màn hình thiết bị cầm tay. Người trẻ giờ đây quen viết thư bằng email, trao đổi, giao tiếp nhiều bằng điện thoại, tin nhắn, facebook... và bận rộn với những dự án số. Vì thế, thời gian dành cho những vần thơ, câu văn ở giới trẻ như ít đi. Văn học cũng không còn là môn học được yêu thích nhiều như trước. Thế nhưng vẫn có những gương mặt trẻ yêu thơ và đến với thơ bằng tình yêu và niềm đam mê.
Mới 14 tuổi nhưng Bùi Thị Thu Ngân (học sinh lớp 8, Trường THCS Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch) đã có gần 3 năm tham gia sáng tác thơ văn tuổi học trò với gia tài khoảng 50 bài thơ, truyện ngắn. Yêu thích thơ, văn, Thu Ngân đã không ngần ngại đường sá xa xôi để lên Nhà thiếu nhi Đồng Nai sinh hoạt, tham gia trại sáng tác, giao lưu, gặp gỡ với các nhà văn, nhà thơ có uy tín trong tỉnh. Với Thu Ngân, đó là môi trường để em học hỏi và nuôi dưỡng ước mơ sáng tác.
Thu Ngân chỉ là một trong số rất nhiều gương mặt thơ trẻ còn ngồi trên ghế nhà trường đang được Đồng Nai ươm mầm. Nói như nhạc sĩ Nguyễn Khánh Hòa, Chủ tịch Hội Văn học - nghệ thuật tỉnh, đây là hướng đi mà Hội đặc biệt ưu tiên trong thời gian tới, nhằm thu hút ngày càng nhiều người trẻ vào Hội và tạo ra những tác phẩm mang hơi thở của cuộc sống hiện đại ở một tỉnh đang tiến sát mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Không phải ngẫu nhiên mà chủ đề của đêm thơ Tết Nguyên tiêu nhiều năm liền ở Đồng Nai là “Tuổi trẻ và Tổ quốc”. Chủ đề này gợi lên nhiều điều phải suy nghĩ, nhất là trách nhiệm của người trẻ với Tổ quốc, quê hương. Đông đảo người trẻ yêu thơ đã hưởng ứng chủ đề này và sáng tác nên những vần thơ ngợi ca biển đảo quê hương; tình yêu với đất và người trên mảnh đất hình chữ S dấu yêu.
Thế nhưng có một thực tế đáng buồn là người trẻ đến với thơ đang ngày một ít đi, và nếu không có một tác động mạnh để “kích hoạt” cảm xúc thì e rằng thơ sẽ trở nên xa lạ với nhiều người. Do đó, ngoài việc chú trọng phát hiện, bồi dưỡng, động viên người trẻ sáng tác, rất cần những hoạt động quảng bá, giới thiệu thơ đến với đông đảo công chúng. Năm nay, chủ đề đêm thơ là “Đồng Nai - Tuổi trẻ và Tổ quốc” được tổ chức đúng vào rằm tháng Giêng nhằm kết nối người yêu thơ, có cảm xúc thơ với cuộc sống; tôn vinh, biểu dương giá trị thơ ca. Đêm thơ cũng là dịp để giáo dục truyền thống, truyền cảm hứng về thơ cho các tầng lớp nhân dân, nhất là giới trẻ. Đó là nỗ lực để vun đắp tình yêu của người trẻ dành cho thơ ca.
Minh Ngọc