Đầu năm 2008, người dân cả nước đã rất sốc khi hình ảnh bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa vừa cho trẻ ăn, vừa quát tháo, chửi mắng, tát, dúi đầu, bấu véo những đứa trẻ chưa đến 2 tuổi chỉ vì chúng lười ăn, chậm chạp, được phát trên đài truyền hình quốc gia và địa phương.
Đầu năm 2008, người dân cả nước đã rất sốc khi hình ảnh bảo mẫu Quảng Thị Kim Hoa vừa cho trẻ ăn, vừa quát tháo, chửi mắng, tát, dúi đầu, bấu véo những đứa trẻ chưa đến 2 tuổi chỉ vì chúng lười ăn, chậm chạp, được phát trên đài truyền hình quốc gia và địa phương. Và liên tiếp sau đó, hàng loạt vụ bạo hành trẻ em tương tự trong cả nước được phát hiện mà nguyên nhân sâu xa là do phụ huynh không tìm được chỗ gửi con ở trường mầm non công lập, đành phải gửi ở những nhóm trẻ gia đình không phép, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Là tỉnh tập trung đông khu công nghiệp với trên 800 ngàn công nhân lao động, nhu cầu về chỗ giữ trẻ là rất lớn. Thế nhưng, có một nghịch lý đã và đang tồn tại nhiều năm qua là trong khi nhu cầu về nhà trẻ lớn thì việc đầu tư cho bậc học mầm non lại chưa được quan tâm một cách thỏa đáng. Chủ trương được đưa ra cho bậc học này là kêu gọi nguồn lực xã hội hóa, nhất là về cơ sở vật chất. Tuy nhiên, rất ít đơn vị, cá nhân dũng cảm đầu tư vào bậc học này do chi phí cao mà rủi ro lại lớn. Vậy nên, trong khi trường mầm non công lập không được xây thêm, trường mầm non dân lập ít, học phí cao, loại hình nhóm trẻ gia đình ra đời đã đáp ứng được nhu cầu gửi trẻ cho phụ huynh có con từ 6-18 tháng tuổi.
Để thành lập một nhóm trẻ gia đình hiện khá dễ dàng bởi không cần xin phép, không cần bằng cấp, chỉ cần thỏa thuận miệng giữa phụ huynh và người trông trẻ, thế là xong. Vì vậy mà không hiếm trường hợp, bà nội, bà ngoại từ quê vào trông cháu cho con đi làm, tiện thể trông luôn con nhà hàng xóm. Một bà bảo mẫu trông 3-4 đứa trẻ trong căn phòng trọ hơn 20m2 với điều kiện ăn, ngủ hết sức tạm bợ là điều dễ thấy ở những khu vực tập trung nhiều công nhân lao động lao động, như: Long Bình, Long Bình Tân, An Bình của TP. Biên Hòa hay gần các khu công nghiệp của các huyện: Trảng Bom, Long Thành, Nhơn Trạch… Dù phải gửi con trong lo lắng nhưng nhiều phụ huynh bày tỏ họ không còn lựa chọn nào khác vì chẳng lẽ lại nghỉ làm để trông con, trong khi mọi chi phí sinh hoạt của gia đình chỉ trông vào nguồn thu nhập này.
Đã không ít vụ việc đau lòng xảy ra ở các nhóm trẻ tư mà nguyên nhân chính vẫn là người giữ trẻ không có chuyên môn, điều kiện trông giữ trẻ không đảm bảo. Thậm chí, việc bồi dưỡng cho đội ngũ này cũng chỉ là giải pháp tình thế, bởi nói như một cán bộ của ngành GD-ĐT thì tâm lý của số đông bảo mẫu muốn học để lấy tấm bằng hợp pháp, hành nghề kiếm sống chứ không đặt vấn đề yêu trẻ, yêu nghề lên hàng đầu. Công tác quản lý nhóm trẻ gia đình hiện cũng đang gặp rất nhiều khó khăn, bởi số lượng nhóm trẻ thì quá lớn mà công tác kiểm tra, giám sát, xử lý còn bất cập. Vậy nên, giải pháp tốt nhất để đảm bảo quyền lợi cho trẻ em vẫn là phải có những ngôi trường mầm non được xây dựng để trẻ được chăm sóc và nuôi dạy tốt nhất. Đó cũng là cách để chúng ta đầu tư cho tương lai của đất nước.
Nguyễn Phượng