Chẳng mấy khó khăn, những "tín đồ hàng công nghệ" có thể tìm mua những mẫu iPhone 5 hay 5S, các loại máy tính bảng nhập khẩu 100% từ Mỹ, Úc, Nhật Bản đã qua sử dụng với giá chỉ bằng 50% giá hàng mới. Thị trường này vẫn đang hoạt động sôi nổi, dù về nguyên tắc đã bị cấm nhập khẩu từ cách đây gần 5 năm.
Chẳng mấy khó khăn, những “tín đồ hàng công nghệ” có thể tìm mua những mẫu iPhone 5 hay 5S, các loại máy tính bảng nhập khẩu 100% từ Mỹ, Úc, Nhật Bản đã qua sử dụng với giá chỉ bằng 50% giá hàng mới. Thị trường này vẫn đang hoạt động sôi nổi, dù về nguyên tắc đã bị cấm nhập khẩu từ cách đây gần 5 năm.
Mỗi năm, Việt Nam chi hàng tỷ USD cho nhu cầu nhập khẩu hàng công nghệ cao, như: điện thoại, máy tính bảng, máy tính để bàn, hàng điện gia dụng… và cũng chi hàng trăm triệu USD cho những mặt hàng trên, nhưng là đồ cũ. Từ năm 2009, nhiều mặt hàng cũ nói trên đã bị cấm nhập khẩu do lo ngại Việt Nam sẽ trở thành một bãi rác công nghệ nếu không có chính sách hạn chế nhập. Tuy vậy, người tiêu dùng lại rất dễ dàng để mua những mặt hàng cũ nhập khẩu, mà “hot” nhất hiện tại phải kể đến các loại máy tính bảng và điện thoại di động của các hãng: Apple, Samsung, LG… Hầu hết những cửa hàng bán linh kiện điện tử, công nghệ thông tin đều bán công khai những mặt hàng cũ này, nhiều nơi còn công bố rõ “nguồn” nhập khẩu của chúng như một cách xác tín với khách hàng. Hàng công nghệ cũ trong danh sách cấm nhập, do đó vẫn về đều đều thông qua đường biếu, tặng, xách tay…
Thông tư 04/2014 ban hành vào đầu năm nay của Bộ Công thương tiếp tục quy định và bổ sung một số mặt hàng sẽ bị cấm nhập khẩu như điện thoại di động, máy tính bảng. Đồng thời, các thiết bị điện tử cũ như máy ghi âm cassette bỏ túi, máy ghi âm dùng băng cassette có bộ phận khuếch đại một hoặc nhiều loa, hoạt động chỉ bằng nguồn điện ngoài, camera truyền hình, đồng hồ đeo tay, đồng hồ bỏ túi và các loại đồng hồ cá nhân khác cũng không được phép nhập khẩu. Danh sách cấm còn bao gồm các vật dụng, như: máy giặt có chức năng sấy ly tâm, vali, cặp tài liệu, cặp sách, túi, hàng may mặc, đồ phụ trợ quần áo và các loại ô dù cũ, tóc người đã được chải, chuốt tẩy… Đặc biệt, Bộ Công thương cũng cấm nhập khẩu các thiết bị y tế đã qua sử dụng, như: thiết bị điện tim, siêu âm, máy trị liệu…
Sẽ có nhiều ý kiến cho rằng, Việt Nam chưa nên mạnh tay với những mặt hàng này bởi nhiều người tiêu dùng vẫn chưa đủ khả năng dùng hàng mới, và hàng cũ sẽ giúp họ đáp ứng nhu cầu sử dụng với chi phí rẻ hơn. Song, xét từ lợi ích về môi trường, tiết kiệm ngoại tệ, bảo vệ nền sản xuất trong nước… rõ ràng điều này là cần thiết. Nhìn rộng ra, nếu không có những chính sách kịp thời thì chỉ một thời gian ngắn, Việt Nam sẽ trở thành bãi rác công nghệ khổng lồ với đủ mọi sản phẩm, từ xe hơi, máy móc, điện thoại, thiết bị y tế… với thời gian sử dụng ngắn ngủi, nhưng thời gian gây hại cho môi trường sẽ rất dài.
Quy định đã có, nhưng thực hiện và kiểm soát thế nào vẫn là câu hỏi bỏ ngỏ cho những ngành liên quan, bởi trên thực tế, thị trường hàng công nghệ cũ vẫn rất “ăn nên làm ra” bởi thiếu sự kiểm soát chặt chẽ.
VI LÂM