Có lẽ ít nơi đâu như ở Việt Nam, việc mua thuốc chữa bệnh cho người lại dễ dàng đến vậy. Khi ốm đau, chỉ cần đến tiệm thuốc kể tình trạng bệnh, bệnh nhân sẽ được mua thuốc ngay mà không phải mất thời gian đến bác sĩ khám, kê toa.
Có lẽ ít nơi đâu như ở Việt Nam, việc mua thuốc chữa bệnh cho người lại dễ dàng đến vậy. Khi ốm đau, chỉ cần đến tiệm thuốc kể tình trạng bệnh, bệnh nhân sẽ được mua thuốc ngay mà không phải mất thời gian đến bác sĩ khám, kê toa. Ngay cả những loại thuốc đặc trị, trong chuyên môn yêu cầu bắt buộc phải có chỉ định của bác sĩ, nhân viên nhà thuốc vẫn vô tư bán mà không cần biết đến hậu quả nghiêm trọng có thể xảy ra đối với người bệnh.
Công tác quản lý các nhà thuốc, quầy thuốc lâu nay vẫn được xem là bài toán khó, bởi số lượng nhà thuốc, quầy thuốc thì nhiều, trong khi nhân lực, nguồn lực để kiểm tra còn hạn chế. Đó là chưa kể tình trạng mua bằng, thuê bằng dược sĩ để bán thuốc đang diễn ra khá phổ biến làm ảnh hưởng không nhỏ đến việc nâng cao chất lượng công tác khám chữa bệnh. Ngành chủ quản nắm rất rõ điều này nhưng dường như… bó tay vì kiểm tra, xử phạt xong đâu lại vào đó. Cuối cùng, người bệnh vẫn là đối tượng chịu thiệt thòi nhất khi không thể đổi, trả, ngã giá với mặt hàng đặc biệt này.
Để đưa hoạt động của các nhà thuốc, quầy thuốc đi vào nề nếp, từ năm 2007, Bộ Y tế đã ban hành nguyên tắc, tiêu chuẩn “Thực hành tốt nhà thuốc” (GPP) nhằm cung cấp thuốc đảm bảo chất lượng kèm theo thông tin về thuốc, tư vấn thích hợp cho người sử dụng và theo dõi việc sử dụng thuốc của họ. Mục tiêu là đến năm 2011, 100% các nhà thuốc trên toàn quốc đều đạt tiêu chuẩn này.
Rõ ràng, những tiêu chuẩn mà Bộ Y tế đưa ra đã đáp ứng mong muốn của nhân dân và đặc biệt rất phù hợp với xu hướng chung của thế giới. Tuy nhiên, để đạt được tiêu chuẩn nhà thuốc GPP đã khó, giữ được những tiêu chuẩn, yêu cầu của nhà thuốc này còn khó hơn nhiều bởi nói như một dược sĩ ở Đồng Nai “nếu tuân thủ đúng những nguyên tắc này, nhà thuốc không thể tồn tại được”. Vậy nên, mới có tình trạng, nhiều nhà thuốc đạt tiêu chuẩn GPP, hoạt động có tiếng vẫn vi phạm những yêu cầu cơ bản, như: bán thuốc phải có toa của bác sĩ, niêm yết giá thuốc công khai, khu vực bán thuốc phải có chỗ rửa tay cho người bán và người mua… Việc nhà thuốc bán thuốc quá đát, thuốc không rõ nguồn gốc, không hóa đơn, chứng từ vẫn xảy ra như cơm bữa nhưng vẫn chưa có biện pháp để ngăn ngừa tận gốc.
Dược sĩ Nguyễn Duy Văn, Trưởng phòng Nghiệp vụ dược (Sở Y tế), thừa nhận do lực lượng kiểm tra quá mỏng, dẫn đến cứ kiểm tra là… dính vi phạm. Đây cũng là một lý do, nhưng đằng sau nó vẫn là những lỗ hổng về quản lý (từ quy trình cấp phép, thẩm định các điều kiện hoạt động của nhà thuốc đến công tác kiểm tra, giám sát) rất cần phải củng cố, siết chặt hơn nữa nhằm hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng mua thuốc dễ hơn mua rau ngoài chợ.
MINH NGỌC