Báo Đồng Nai điện tử
En

Tiền đâu để quảng bá?

12:04, 22/04/2014

Phải khẳng định, Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành rất có tâm huyết với cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" do Bộ Chính trị phát động từ năm 2008.

Phải khẳng định, Đồng Nai là một trong những tỉnh, thành rất có tâm huyết với cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” do Bộ Chính trị phát động từ năm 2008. Một trong những hoạt động nổi bật của tỉnh là đưa những chuyến hàng Việt về với các địa bàn vùng sâu, vùng xa, những nông trường và các khu công nghiệp xa trung tâm, ít được tiếp cận với những mặt hàng chất lượng do doanh nghiệp trong nước sản xuất. Cho đến hiện tại, sau hơn 4 năm tổ chức, Đồng Nai đã có hàng chục chuyến đưa hàng Việt đến người dân nông thôn với sự tham gia của nhiều doanh nghiệp, được tổ chức đều đặn hàng tháng tại nhiều ấp, xã, nông trường xa xôi trong tỉnh.

Nhưng, nhiều doanh nghiệp than, càng tham gia càng lỗ. Với những doanh nghiệp không tính đến chuyện lỗ - lãi trong các chuyến đi bán hàng, thì mục đích của họ là quảng bá nhãn hiệu đến người dân nông thôn, xem ra cũng không đạt khi số lượng người dân đến tham quan các gian hàng tại nhiều nơi không đông, dù doanh nghiệp đã thực hiện nhiều chương trình: giới thiệu hàng mới, giảm giá, khuyến mãi… Và không chỉ Đồng Nai gặp khó, mà nhiều tỉnh khác thực hiện chương trình này cũng khó khăn, như: Tiền Giang, Bình Dương, Thừa Thiên - Huế… Một số người dân nông thôn khi được hỏi, cho biết họ không nghe thông tin giới thiệu gì về các phiên chợ này nên nhiều khi không biết để tới.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng, nguyên nhân chính khiến các phiên chợ èo uột là do công tác quảng bá chưa tốt. Hiện tại, trước mỗi phiên chợ, đơn vị tổ chức là Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai cũng chỉ có thể treo một số băng rôn, gửi một số thông báo đến vài cơ quan nhờ hỗ trợ tuyên truyền thêm, trong khi các kênh quảng bá hiệu quả nhất là truyền hình, báo chí, các trang mạng điện tử thì không thể “mơ” nổi do kinh phí quá tốn kém, trong khi quy mô tổ chức chỉ từ 10 - 20 doanh nghiệp tham dự. Thử tính, phiên chợ nào đông, vui thì tổng doanh số bình quân chỉ khoảng 300 - 400 triệu đồng, thì việc “chạy” một clip quảng bá về phiên chợ trên truyền hình với chi phí hàng chục triệu đồng/lần thì hầu như là không thể, chưa kể quảng bá trên các phương tiện truyền thông khác. Ngân sách “lo” không nổi, mà doanh nghiệp cũng không cáng đáng được.

Chính vì vậy, sự “èo uột” của các phiên chợ hàng Việt ngày càng thấy rõ hơn, nhất là giữa lúc kinh tế khó khăn, người dân tiết kiệm chi tiêu, trong khi hàng hóa của các tập đoàn nước ngoài lớn mạnh, như: Unilever, P&G, Unza, Massan… cứ mỗi lúc một rẻ đi, và tràn ngập trên các trang, mục quảng cáo.

Nếu không có sự phối hợp bài bản và những chính sách hỗ trợ, các chuyến hàng Việt về nông thôn rồi sẽ teo tóp dần, vì doanh nghiệp đến một lúc nào đó cũng không còn đủ sức tham gia, và chương trình có ý nghĩa này có thể sẽ lùi vào quá khứ.

VI LÂM

 

Tin xem nhiều