Báo Đồng Nai điện tử
En

Tin tưởng và chia sẻ

11:05, 25/05/2014

Những nỗ lực xây dựng một môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch để thu hút vốn từ nước ngoài vào dựng xây đất nước, đã gần như bị đạp đổ bởi một số công nhân quá khích tại Bình Dương, Hà Tĩnh, Đồng Nai…

Những nỗ lực xây dựng một môi trường đầu tư lành mạnh, minh bạch để thu hút vốn từ nước ngoài vào dựng xây đất nước, đã gần như bị đạp đổ bởi một số công nhân quá khích tại Bình Dương, Hà Tĩnh, Đồng Nai… Và sau tất cả những phút thiếu kiểm soát đó, Việt Nam lại phải bắt tay vào lấy lại uy tín, từng chút một. Những thiệt hại về vật chất và tinh thần đến nay chưa thể thống kê cụ thể. Tuy vậy, những gì Chính phủ Việt Nam cùng lãnh đạo các địa phương nơi xảy ra sự cố đã và đang nỗ lực làm, đã chứng tỏ được sự nhất quán trong điều hành, và cả tính nhân văn trong ứng xử. 

Ngày 21-5, Văn phòng Chính phủ đã phát đi thông điệp của Thủ tướng về hỗ trợ thiệt hại cho các doanh nghiệp bị đập phá. Thủ tướng yêu cầu doanh nghiệp bảo hiểm đưa thiệt hại của doanh nghiệp vào phạm vi được bảo hiểm; nhanh chóng xác định giá trị thiệt hại để thực hiện bồi thường một cách đơn giản. Thậm chí, có thể cho phép ứng trước tiền bồi thường đối với những trường hợp đã xác định rõ thuộc phạm vi, đối tượng được bảo hiểm. Ngoài ra, hàng loạt các hình thức hỗ trợ khác cũng được triển khai: miễn tiền thuê đất, giảm thuế, hỗ trợ thủ tục hải quan…

Hiện tại, 197/198 doanh nghiệp bị thiệt hại tại Đồng Nai đã sản xuất lại bình thường, mọi thứ cũng dần ổn định hơn tại Bình Dương, Hà Tĩnh. Tại Đồng Nai, một số sở, ngành liên quan làm việc cả thứ bảy, chủ nhật để kịp thời giúp doanh nghiệp ổn định sản xuất. Nhiều cuộc gặp gỡ để ổn định tinh thần giữa lãnh đạo tỉnh và đại diện doanh nghiệp liên tục diễn ra. Phó thủ tướng Vũ Văn Ninh cũng trực tiếp đến Đồng Nai, Bình Dương trấn an doanh nghiệp và giải tỏa những lo lắng cho họ.

Những điều này được doanh nghiệp đánh giá rất cao. Phát biểu tại buổi gặp gỡ với lãnh đạo tỉnh, ông Imamura Tomofuri, Hội trưởng Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đồng Nai, nói: “Trước đây chúng tôi kinh doanh ở Trung Quốc, khi xảy ra mâu thuẫn giữa 2 nước, công ty chúng tôi bị người Trung Quốc đập phá nhưng chính quyền địa phương làm ngơ. Còn ở Việt Nam, chúng tôi được quan tâm bảo vệ, hỗ trợ để nhanh chóng khắc phục hậu quả. Điều này khiến chúng tôi rất cảm kích Chính phủ Việt Nam và chính quyền sở tại Đồng Nai. Doanh nghiệp chúng tôi hoàn toàn yên tâm tiếp tục phát triển tại Việt Nam”. Tương tự, bà Lưu Mỹ Đức, Tổng hội trưởng Hiệp hội Thương mại Đài Loan tại Việt Nam, chia sẻ: “Nhiều doanh nghiệp Đài Loan đã gắn bó với Đồng Nai hơn 20 năm. Vì thế, thời gian tới các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đầu tư phát triển tại đây và mong chính quyền tỉnh sớm xử lý thật nghiêm các đối tượng quá khích và có những chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp Đài Loan sớm khôi phục lại sản xuất”.

Có thể, sẽ phải mất thêm thời gian để doanh nghiệp thực sự hoạt động trở lại bình thường sau những thiệt hại đáng tiếc. Tuy vậy, sự sẻ chia đầy trách nhiệm và những biện pháp hỗ trợ kịp thời của Việt Nam, sẽ là một trong những điểm mạnh để Việt Nam tiếp tục được tin tưởng là một điểm đến an toàn. Bởi, rủi ro là điều không ai dám nói trước, song thái độ và cách ứng xử với những rủi ro ấy mới là quan trọng.

­Vi Lâm

Tin xem nhiều