"Những thứ phát triển quy mô, vui vẻ, nhộn nhịp… thì đâu đâu cũng thấy. Không chỉ riêng Biên Hòa, mà sự "to, nở" của đô thị trong thời đại này là rất nhanh, rất lớn, song tôi nghĩ, mỗi người dân gắn bó lâu năm với Biên Hòa vẫn sẽ thấy thiếu những góc nhỏ tự hào riêng của thành phố này" – KTS Nguyễn Văn Tất, Phó Chỉ tịch Hội KTS Việt Nam, đồng thời cũng là người sinh ra và lớn lên tại Biên Hòa, đã nhận xét như thế trong một bài phỏng vấn trên Báo Đồng Nai cách đây chưa lâu.
“Những thứ phát triển quy mô, vui vẻ, nhộn nhịp… thì đâu đâu cũng thấy. Không chỉ riêng Biên Hòa, mà sự “to, nở” của đô thị trong thời đại này là rất nhanh, rất lớn, song tôi nghĩ, mỗi người dân gắn bó lâu năm với Biên Hòa vẫn sẽ thấy thiếu những góc nhỏ tự hào riêng của thành phố này” – KTS Nguyễn Văn Tất, Phó Chỉ tịch Hội KTS Việt Nam, đồng thời cũng là người sinh ra và lớn lên tại Biên Hòa, đã nhận xét như thế trong một bài phỏng vấn trên Báo Đồng Nai cách đây chưa lâu.
Điều mà kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất trăn trở cũng là điều mà nhiều kiến trúc sư quan tâm đến Biên Hòa và những đô thị khác tại Đồng Nai trăn trở. Tương tự nhiều đô thị khác trong cả nước, với tốc độ phát triển kinh tế và sự dịch chuyển dân cư nhanh chóng, chiếc áo đô thị ngày càng trở nên chật hẹp với nhiều vấn đề phát sinh liên quan đến dân sinh: nhà ở, cầu cống, đường sá, dịch vụ, cây xanh, thoát nước… Từ đó, chính quyền buộc phải “may” một chiếc áo mới cho đô thị, thông qua công tác quy hoạch trong từng giai đoạn cụ thể. Tuy nhiên, nhiều kiến trúc sư tâm huyết cho rằng, quy hoạch đô thị để giải quyết những vấn đề bức bách trong đời sống thường nhật của người dân là đúng, nhưng cũng cần nghiên cứu để đô thị có được những nét riêng tạo thành bản sắc, để Biên Hòa không lẫn vào với Thủ Dầu Một, lại càng không giống với Đồng Hới, Cần Thơ, Huế, hay bất kỳ đô thị nào ở khắp đất nước Việt Nam này. Kiến trúc sư Nguyễn Văn Tất cho rằng, bản sắc không phải là điều gì quá lớn lao. Chẳng hạn ở Biên Hòa, đó là: dốc Tòa, cù lao Phố, thành Kèn, gò Me, Tân Hiệp quán… hay những con đường thơ mộng trong thơ của Nguyễn Tất Nhiên. Đôi khi, chỉ một cái tên cũng đã là bản sắc.
Nhưng băn khoăn lo lắng cho bản sắc ấy cần phải được nhìn nhận một cách nghiêm túc, chứ không phải như một “ý tưởng lãng mạn” của giới kiến trúc sư. Bởi thông qua đó, những thế hệ cư dân nối tiếp sẽ được giáo dục, lãnh hội những điều thiêng liêng về gốc rễ, về cội nguồn, chưa kể với những ứng xử phù hợp, bản sắc đô thị có thể làm thay đổi hẳn vị trí của một thành phố trên bản đồ du lịch, tác động trực tiếp đến “túi tiền” của địa phương đó.
Lẽ dĩ nhiên, sẽ có nhiều ý kiến bàn thảo, như thế nào là nét riêng và người ta sẽ phải làm gì để giữ lại/ tôn tạo/ xây mới những công trình hoặc những đường nét đô thị góp phần làm nên những nét riêng đó, để Biên Hòa là Biên Hòa, Long Khánh là Long Khánh, có những khác biệt và không nhạt nhòa lẫn nhau. Song, dành cho nó một sự quan tâm cần thiết là điều cần chú ý.
Cũng là người sinh ra tại Biên Hòa, kiến trúc sư Khương Văn Mười, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, từng nhận xét: “Không đô thị nào là hoàn chỉnh, đô thị nào cũng có mặt hay, mặt yếu. Chúng ta thiết kế và làm sau những nơi khác cũng không phải là điều đáng ngại. Nếu làm quá sớm, khi chưa đủ lực và các giải pháp quy hoạch còn hạn chế thì có thể phá vỡ cả đô thị, còn bây giờ phương tiện đã đầy đủ hơn, chúng ta có thể làm tốt hơn nếu quyết tâm”.
Vi Lâm