Bà Nguyễn Bạch Tuyết, nguyên Chủ tịch UBMTTQ tỉnh khóa đầu tiên và 2 nhiệm kỳ tiếp theo của Đồng Nai đã tự hào kể rằng, trong những năm kháng chiến đầy gian khổ, lực lượng Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đã được ví là "Chàng khổng lồ chân đất".
Bà Nguyễn Bạch Tuyết, nguyên Chủ tịch UBMTTQ tỉnh khóa đầu tiên và 2 nhiệm kỳ tiếp theo của Đồng Nai đã tự hào kể rằng, trong những năm kháng chiến đầy gian khổ, lực lượng Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam đã được ví là “Chàng khổng lồ chân đất”. Chân đất, vì lực lượng của Mặt trận đều từ nhân dân mà ra, khổng lồ là vì Mặt trận đã tập hợp được đông đảo các thành phần và tầng lớp nhân dân yêu nước tiến hành sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Thế và lực của Mặt trận trong thời kỳ kháng chiến rất lớn mạnh.
Đến nay, MTTQ tỉnh đã vào tuổi 38 và trải qua 7 kỳ đại hội. Những năm qua, MTTQ tỉnh đã kiên trì vận động, tập hợp các tổ chức thành viên, tăng cường củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết dân tộc nhằm thực hiện mục tiêu chung là đẩy mạnh công cuộc đổi mới và phát triển bền vững của tỉnh, chăm lo đời sống các tầng lớp nhân dân trên địa bàn, góp phần quan trọng trong việc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh địa phương.
Bên cạnh đó, MTTQ các cấp, nhất là ở cơ sở đã phát huy vai trò chính trị, vận động nhân dân phát huy dân chủ, tăng cường các hoạt động giám sát tại địa bàn dân cư. Nhiều thành tựu của các địa phương, như huyện Xuân Lộc trong xây dựng nông thôn mới, đều mang dấu ấn đậm nét của công tác Mặt trận. Thành công của các phong trào, cuộc vận động lớn của địa phương, như: Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư, Ngày vì người nghèo, Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam… đều có sức mạnh của Mặt trận, không chỉ góp phần phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo mà còn hướng đến xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.
Mới đây, “chàng khổng lồ chân đất” còn được Bộ Chính trị trao “bảo kiếm” thông qua Quyết định 217-QĐ/TW về việc ban hành Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội. Đến nay, gần 1.500 đơn khiếu nại đã được MTTQ các cấp phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời, đồng thời đã triển khai giám sát cán bộ, đảng viên tại địa phương, góp phần thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Tuy nhiên, với công tác phản biện xã hội, để có thể thực hiện tốt nhiệm vụ khá mới mẻ này, MTTQ cần tập hợp, xây dựng được lực lượng đội ngũ các nhà khoa học, trí thức, chuyên gia ở nhiều lĩnh vực, có tâm và có tầm, góp phần hoàn thiện các chủ trương, chính sách, pháp luật sát hợp với thực tiễn của đời sống xã hội, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng và thể hiện được ý chí, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân. Như vậy, MTTQ lúc này cần biết “đứng trên vai người khổng lồ” để thực hiện nhiệm vụ.
Bước vào Đại hội lần thứ VIII (nhiệm kỳ 2014-2019), các tầng lớp nhân dân trong tỉnh gửi đến đại hội niềm tin và kỳ vọng rằng MTTQ sẽ tiếp tục phát huy quyền làm chủ của nhân dân, qua đó càng nâng cao vai trò trong việc xây dựng, tập hợp khối đại đoàn kết dân tộc, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của Đảng, xây dựng Nhà nước do nhân dân, vì nhân dân ngày càng trong sạch, vững mạnh, hoạt động có hiệu lực, hiệu quả.
Thanh Thúy