
Trong 5 năm gần đây, mỗi năm Đồng Nai có không dưới 20 người chết vì tai nạn lao động. Cụ thể, năm 2010 có 22 người, năm 2011 có 25 người, năm 2012 có 27 người, năm 2013 có 26 người và năm 2014 có 22 người chết. Trong 4 tháng đầu năm 2015 cũng đã có 6 người chết vì tai nạn lao động.
Đồng Nai là tỉnh công nghiệp có trên 800 ngàn lao động, đồng thời là một trong 4 địa phương dẫn đầu cả nước về đóng góp ngân sách quốc gia hàng năm. Lực lượng lao động đông đảo trong các doanh nghiệp cũng kéo theo vấn đề rất đáng bận tâm: an toàn lao động. Trong 5 năm gần đây, mỗi năm Đồng Nai có không dưới 20 người chết vì tai nạn lao động. Cụ thể, năm 2010 có 22 người, năm 2011 có 25 người, năm 2012 có 27 người, năm 2013 có 26 người và năm 2014 có 22 người chết. Trong 4 tháng đầu năm 2015 cũng đã có 6 người chết vì tai nạn lao động.
ADVERTISEMENT
Với những con số trên, Đồng Nai luôn bị xếp vào tốp 10 địa phương có số người bị tai nạn lao động chết người cao của cả nước. Tai nạn lao động chết người không chỉ thể hiện ở những con số mà còn để lại những nỗi đau dai dẳng cho gia đình các nạn nhân và là gánh nặng cho xã hội. Những người bị chết vì tai nạn lao động thường là những lao động chính trong gia đình, nhiều trường hợp có hoàn cảnh rất khó khăn. Tai nạn lao động khiến cha mẹ mất con, vợ chồng mất nhau, con mất cha mẹ.
Không ít người bị tai nạn lao động dù may mắn còn sống nhưng bị giảm hay mất đi khả năng lao động. Có người phải sống quãng đời còn lại với đời sống thực vật. Đây thực sự là một gánh nặng không chỉ về kinh tế mà còn là một nỗi đau tinh thần không gì có thể bù đắp được.
ADVERTISEMENT
Trong khi đó, ý thức chấp hành các quy định về an toàn lao động ở nhiều doanh nghiệp hiện nay vẫn còn bị coi thường. Có doanh nghiệp không chỉ một lần mà nhiều lần để xảy ra tai nạn lao động khiến cả chục công nhân phải vào viện cấp cứu, thế nhưng vẫn chưa xây dựng được các giải pháp hữu hiệu để các sự cố không còn cơ hội xảy ra.
Không chỉ doanh nghiệp mà bản thân người lao động cũng chưa thực sự quan tâm tới sức khỏe và tính mạng của chính mình trong quá trình làm việc, nhất là những lao động thời vụ, lao động tự do không ai quản lý. Người lao động ai cũng biết rằng tai nạn lao động khi ập đến với mình thì mình chính là người chịu thiệt nhất, thế nhưng nhiều người vẫn coi thường.
ADVERTISEMENT
Công tác quản lý Nhà nước về an toàn lao động, trong đó các quy định về xử phạt trong các trường hợp mất an toàn lao động hiện vẫn còn nhẹ, chủ yếu là xử phạt hành chính, do vậy không đủ sức răn đe. Nhiều vụ tai nạn lao động chết người tại Đồng Nai đã từng xảy ra trong những năm gần đây, gần như chưa có vụ nào chủ doanh nghiệp bị khởi tố hình sự cũng như tìm ra được người có trách nhiệm cuối cùng về tính mạng của người lao động.
Muốn kiềm chế và kéo giảm được tai nạn lao động sẽ cần nhiều giải pháp đồng bộ và quyết liệt hơn. Trong đó, cơ quan Nhà nước cần tăng cường công tác tuyên truyền, thanh kiểm tra, xử lý nghiêm minh hơn. Nhưng trước hết bản thân doanh nghiệp cần thực hiện cam kết của mình với người lao động, đó là “người lao động là tài sản quý giá nhất”. Đồng thời, người lao động cần nhận thức được rằng, không có gì quý giá hơn sức khỏe, do vậy cần phải biết tự bảo vệ sức khỏe của mình, vì bản thân, vì gia đình và còn vì không để lại gánh nặng cho xã hội. Người lao động cần biết nói “không” với môi trường làm việc không an toàn.
Công Nghĩa