Cách đây 21 năm, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị 07 về công tác xây dựng Ðảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Cách đây 21 năm, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị 07 về công tác xây dựng Ðảng, các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Đến năm 2010, Ban Bí thư Trung ương (khóa X) cũng có Kết luận số 80-KL/TW về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới”. Điều này cho thấy lãnh đạo Đảng các thời kỳ đều rất quan tâm đến công tác xây dựng tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp FDI. Nhưng trong thực tế, việc phát triển Đảng cũng như nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng trong doanh nghiệp tiến triển rất chậm bởi quá nhiều khó khăn cũng như rào cản.
Rào cản đầu tiên rất khó vượt qua, chính là sự thiếu quan tâm, thờ ơ, thậm chí “cảnh giác” đối với việc thành lập tổ chức Đảng của chủ doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp FDI. Không ít người e ngại việc có tổ chức Đảng trong doanh nghiệp sẽ ảnh hưởng đến sản xuất; thậm chí có người chưa hiểu đúng bản chất, vai trò của tổ chức Đảng nên cản trở hoặc không ủng hộ việc thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp, không tạo điều kiện để tổ chức Đảng sinh hoạt. Việc tổ chức Đảng, đảng viên trong doanh nghiệp nhà nước chiếm tỷ lệ cao trong khi ở doanh nghiệp tư nhân và FDI lại “thấp lè tè” là minh chứng cho thực trạng này.
Nhiều năm nay, Đồng Nai đã có nhiều cách làm sáng tạo để đẩy mạnh phát triển Đảng trong doanh nghiệp. Trong đó, ngoài việc kiên trì, bền bỉ tuyên truyền cho chủ doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài hiểu đúng về vai trò, vị trí và tác dụng của tổ chức Đảng, các cấp ủy Đảng địa phương, ngành liên quan (thuế, hải quan) còn chủ động nắm bắt tình hình để kịp thời có chủ trương tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển, qua đó chứng tỏ hoạt động của tổ chức Đảng là có lợi, góp phần giúp doanh nghiệp phát triển vững chắc, đúng pháp luật. Đến nay, toàn tỉnh thành lập được hơn 130 tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp FDI, tỷ lệ đảng viên chiếm gần 4% tổng số đảng viên toàn Đảng bộ tỉnh. Đảng bộ tỉnh đánh giá tỷ lệ này vẫn chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng và phát triển của địa phương, nên vẫn tìm tòi các giải pháp mới để tăng cường công tác phát triển Đảng trong doanh nghiệp nhằm tạo môi trường sản xuất ổn định, phát triển bền vững.
Tuy nhiên, so với việc tăng cường phát triển tổ chức Đảng, thì nhiệm vụ duy trì và nâng cao chất lượng sinh hoạt Đảng trong doanh nghiệp càng khó khăn hơn. Có một thực tế là một số cấp ủy, chi bộ trong doanh nghiệp lúng túng trong xác định nội dung và phương thức hoạt động, chưa xác định và thể hiện được vai trò lãnh đạo doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ sản xuất - kinh doanh, công tác cán bộ và mối quan hệ với các thành tố trong doanh nghiệp, dẫn đến sinh hoạt chi bộ chỉ đơn thuần là gặp gỡ, trao đổi công việc chuyên môn và… đóng đảng phí. Thậm chí, có tổ chức Đảng năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu còn thấp, sinh hoạt Đảng không thường xuyên, nội dung sinh hoạt nghèo nàn, tự phê bình và phê bình còn yếu, việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên còn gặp nhiều khó khăn.
Tổ chức Đảng trong doanh nghiệp nếu hoạt động yếu sẽ không tạo được niềm tin đối với chủ doanh nghiệp, từ đó có thể ảnh hưởng đến uy tín của Đảng, gây khó khăn trong việc thành lập tổ chức Đảng trong doanh nghiệp khác. Vì vậy, cấp ủy cấp trên cần quan tâm hướng dẫn tổ chức Đảng trong doanh nghiệp không ngừng tự hoàn thiện thông qua việc kiện toàn tổ chức, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy định; nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của thông qua nâng cao chất lượng đội ngũ cấp ủy viên, đặc biệt là bí thư cấp ủy. Một yếu tố khác cũng quan trọng là cần có sự hướng dẫn để tổ chức Đảng mạnh dạn đổi mới hình thức và phương pháp sinh hoạt để nâng cao chất lượng và thu hút quần chúng.
Hà Lam