Quá trình làm nông luôn đầy vất vả, lam lũ đã được ông bà xưa đúc kết bằng hình ảnh nông dân "Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời".
Quá trình làm nông luôn đầy vất vả, lam lũ đã được ông bà xưa đúc kết bằng hình ảnh nông dân “Bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”.
Đó là làm nông nghiệp theo phương thức truyền thống. Còn nay với nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, người nông dân đã hiện đại hơn, tiến bộ hơn nên vì thế đã “nhàn” hơn rất nhiều.
Tại Đồng Nai, không lấy làm lạ với những mô hình tưới nước và kết hợp bón phân tự động; hệ thống tưới cắt nắng và điều hòa nhiệt độ trong nhà màng, nhà kính; chuồng lạnh nuôi gà khép kín tất cả các quy trình... Với phương thức sản xuất hiện đại này, mọi quy trình trồng trọt, chăn nuôi đều có thể tự động hóa một cách chuẩn xác mà không cần sự có mặt trực tiếp của con người.
Để có được mô hình nông nghiệp hiện đại như vậy, nông dân và doanh nghiệp Đồng Nai đã rất nhanh nhạy trong ứng dụng khoa học - kỹ thuật, chịu khó đầu tư, dù vốn và tâm huyết bỏ ra không phải là ít. Nhưng giữa “mất” và “được”, nông dân trong tỉnh vẫn chọn thực hành nông nghiệp công nghệ cao bởi đó là xu thế, là thời đại, là việc cần làm ngay.
Một điều dễ nhận thấy là nông nghiệp công nghệ cao sử dụng ít lao động, nhưng đó đều là những nhân công bậc cao. Nông dân ngày nay không thể “trông trời, trông đất, trông mây” để thực hành nông nghiệp như trước nữa, mà cao hơn, đòi hỏi họ có kiến thức về lý - hóa, về lĩnh vực mình sản xuất, điều kiện thổ nhưỡng của địa phương. Đơn cử, như các thiết bị, máy móc nông nghiệp công nghệ cao ở nước ngoài, khi nhập về Việt Nam thường có giá trị lớn. Nhưng nếu người mua không có xem xét đến các yếu tố địa lý, thổ nhưỡng ở địa phương, rập khuôn áp dụng sẽ không mang lại hiệu quả nào.
Đặc biệt, trong bối cảnh thị trường hội nhập vào toàn cầu hóa, sẽ là lỗ hổng lớn nếu làm nông nghiệp công nghệ cao mà nông dân thiếu sót kiến thức về quản trị bán hàng, tiếp thị sản phẩm… Sản phẩm từ những cánh đồng lớn, từ những trại gà, trại heo có số lượng nhiều, chất lượng đồng đều và độ an toàn cao, đáp ứng được các tiêu chuẩn gắt gao của khách hàng quốc tế khó tính... sẽ có đầu ra như thế nào là điều rất cần được quan tâm. Những đợt giải cứu nông sản ở Đồng Nai những tháng đầu năm 2017 vẫn là những bài học chưa bao giờ cũ.
Trong chặng đường hướng đến nông nghiệp công nghệ cao, nông dân và doanh nghiệp luôn có sự đồng hành của Đảng, Nhà nước. Nghị quyết Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân và nông thôn đã xác định để phát triển nhanh nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng khoa học - công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực, tạo đột phá để hiện đại hóa nông nghiệp, công nghiệp hóa nông thôn, Việt Nam sẽ tăng đầu tư ngân sách cho nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ để nông nghiệp sớm đạt trình độ tương đương với các nước tiên tiến trong khu vực; ưu tiên đầu tư ứng dụng công nghệ sinh học. Xây dựng các chính sách đãi ngộ thỏa đáng để khai thác, phát huy tốt các nguồn lực khoa học - công nghệ, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia nghiên cứu, chuyển giao khoa học - công nghệ. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng kiến thức khoa học - kỹ thuật sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại cho nông dân…
Tuy nhiên, đối với một đất nước có xuất phát điểm là nền nông nghiệp lạc hậu nhiều năm, không thể một sớm một chiều đòi hỏi nông dân có thể tiến lên ngay nông nghiệp công nghệ cao, chứ chưa nói là nông nghiệp trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Do đó, sự chung tay, góp sức của các cấp chính quyền cùng nông dân, doanh nghiệp trong ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao thực sự là cần thiết.
Lâm Viên