Giải ngân vốn đầu tư, hiểu nôm na là chủ đầu tư nhận được tiền khi hoàn thành từng bước trong kế hoạch hoặc dự án, là giải quyết tiền bạc theo từng bước công việc. Giải ngân vốn chỉ được thực hiện khi chủ đầu tư hoàn thành công việc của mỗi bước trước, rồi sau đó mới được nhận tiền.
Giải ngân vốn đầu tư, hiểu nôm na là chủ đầu tư nhận được tiền khi hoàn thành từng bước trong kế hoạch hoặc dự án, là giải quyết tiền bạc theo từng bước công việc. Giải ngân vốn chỉ được thực hiện khi chủ đầu tư hoàn thành công việc của mỗi bước trước, rồi sau đó mới được nhận tiền.
Do đó, tiến độ giải ngân nhanh đồng nghĩa với việc các dự án được thực hiện đúng tiến độ. Hiện tại, có rất nhiều nguồn vốn đang rót vốn đầu tư vào các dự án cả công lẫn tư, cả kinh tế lẫn văn hóa, xã hội, an sinh, y tế… và chỉ khi tốc độ giải ngân suôn sẻ kịp thời, hiệu quả của các dự án mới thấy rõ.
Chính vì vậy, tiến độ và tốc độ giải ngân vốn đầu tư cả công lẫn tư luôn là chủ đề khiến cả doanh nghiệp, nhà nước, nhà đầu tư nước ngoài “đau đầu” bao lâu nay. Tháng 7 vừa qua, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ đã kiểm điểm một loạt các bộ, ngành vì không đảm bảo tiến độ giải ngân vốn đầu tư công. Ngay sau đó Chính phủ cũng đã ban hành một nghị quyết riêng nhằm tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư nhằm tăng hiệu quả các dự án, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.
Giải ngân vốn chậm, đồng nghĩa với việc thực hiện dự án gặp nhiều trục trặc, chậm tiến độ, ảnh hưởng đến đời sống người dân, đặc biệt là với các lĩnh vực nhạy cảm như: hạ tầng giao thông, y tế, cấp thoát nước, giáo dục… Rất nhiều địa phương lớn như: Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… mỗi năm đều phải ban hành hàng loạt các văn bản nhắc nhở và có nhiều động thái tháo gỡ khó khăn để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn, bao gồm cả các dự án có vốn đầu tư công, dự án vay vốn ODA các nước hoặc các nguồn vốn tài trợ khác. Nhiều địa phương thậm chí còn phạt nặng chủ đầu tư nếu để dự án bị cắt vốn do chậm tiến độ, chậm giải ngân, đủ thấy việc đẩy nhanh giải ngân vốn quan trọng đến mức nào đối với sự phát triển kinh tế - xã hội nói chung.
Điều đáng mừng là năm nay giải ngân vốn nhà nước và vốn đầu tư nước ngoài của Đồng Nai tính đến cuối tháng 10-2017 đã đạt từ 74-80%. Năm nay giải ngân nhiều công trình có vốn nhà nước, đầu tư trong nước và nước ngoài có khả năng sẽ đạt và vượt so với kế hoạch đề ra. Trong đó, có những công trình giải ngân nhanh, như dự án nút giao thông ngã tư Tân Phong (TP.Biên Hòa) đã khởi công gói thầu xây lắp vào đầu tháng 8-2017, thời gian thi công là gần 300 ngày. Kế hoạch năm 2017 bố trí cho dự án là 70 tỷ đồng, giải ngân đến tháng 9 được 68 tỷ đồng, đạt 97% kế hoạch. Ngoài ra còn có dự án tuyến đường chống ùn tắc giao thông trên quốc lộ 1, khu vực phường Tân Hòa (TP.Biên Hòa) đã giải ngân 96% kế hoạch của năm 2017. Với lĩnh vực có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), 10 tháng của năm 2017 giải ngân vốn FDI của Đồng Nai đã đạt 881 triệu USD, tăng 13,5% so với cùng kỳ.
Những tín hiệu đáng mừng này cho thấy sự tích cực của chủ đầu tư trong việc thực hiện dự án đúng tiến độ, đủ hồ sơ, cũng là tấm gương phản chiếu hiệu quả của hệ thống chính quyền trong việc hỗ trợ nhà đầu tư về các thủ tục hành chính liên quan, góp phần đẩy nhanh tiến độ cho các dự án mà người dân quan tâm. Nói cho cùng, tất cả những nỗ lực ở cả góc độ chính quyền lẫn chủ đầu tư không phải là để “làm đẹp con số” cho thành tích giải ngân nào cụ thể, mà quan trọng nhất là nâng cao hiệu quả thực hiện của tất cả các dự án thuộc mọi lĩnh vực phục vụ cho đời sống người dân và tăng trưởng kinh tế bền vững.
VI LÂM