Bạo lực gia đình giờ đây đã không còn là vấn đề của các quốc gia kém phát triển mà trở thành câu chuyện toàn cầu. Bạo lực gia đình cũng không chỉ đơn thuần là hành động liên quan về mặt thể xác.
Bạo lực gia đình giờ đây đã không còn là vấn đề của các quốc gia kém phát triển mà trở thành câu chuyện toàn cầu. Bạo lực gia đình cũng không chỉ đơn thuần là hành động liên quan về mặt thể xác. Chính sự âm ỉ nhưng không kém phần dữ dội về mặt tinh thần lại đem đến hậu quả nặng nề, lâu dài hơn bao giờ hết cho các thành viên trong gia đình, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Rất nhiều câu chuyện về bạo lực đã xảy ra ở tổ ấm gia đình, trong đó không hiếm gia đình trí thức. Nhìn bề ngoài, ai cũng tưởng họ hạnh phúc, êm ấm vì không bao giờ thấy gia đình xảy ra bất hòa, to tiếng chứ đừng nói đến cãi vã hay đánh đập nhau. Ấy vậy mà họ lại không hề hạnh phúc vì hiếm khi chia sẻ được với nhau những vấn đề cùng quan tâm, thậm chí chồng còn áp đặt vợ những nguyên tắc hết sức bảo thủ về chuyện học hành, con cái. Chị vợ thì không dám tâm sự với ai, chịu đựng thói gia trưởng của chồng đến nỗi mắc bệnh trầm cảm rồi quyết định ly hôn trong sự ngỡ ngàng của người thân, bạn bè.
Không hiếm những ông chồng cũng bị vợ bạo hành về tinh thần khi thường xuyên cằn nhằn về công việc, thu nhập rồi so sánh với những ông chồng nhà… hàng xóm. Chồng căng thẳng, bị stress, cảm thấy mình bị lép vế, ngày càng thui chột vai trò làm chồng, làm cha trong gia đình.
Theo một số liệu được báo cáo mới đây, từ năm 2012-2016, cả nước xảy ra trên 127 ngàn vụ bạo lực gia đình, trong đó nam giới chiếm 83,6% đối tượng gây bạo lực và gần 80% số vụ ly hôn hàng năm có nguyên nhân từ bạo lực gia đình. Tuy nhiên, theo các chuyên gia đây mới chỉ là những con số thống kê được. Số vụ bạo lực gia đình trên thực tế còn nhiều hơn nhưng do tâm lý ngại ngùng, e ngại nên không được khai báo hoặc nhờ cơ quan chức năng can thiệp.
Điều tra quốc gia về bạo lực gia đình của Tổng cục Thống kê cũng cho thấy có đến 58% phụ nữ thừa nhận từng bị một loại hình bạo lực trong đời; 87% nạn nhân bạo lực gia đình chưa tìm kiếm sự hỗ trợ từ các dịch vụ công hoặc người có thẩm quyền; 60% phụ nữ bị bạo lực không nắm được Luật Phòng, chống bạo lực gia đình. Đây quả là những con số đáng báo động và nếu không có những giải pháp hữu hiệu để ngăn ngừa, đối tượng chịu nhiều thiệt thòi là phụ nữ và trẻ em sẽ tiếp tục phải gánh chịu những hậu quả hết sức nặng nề.
Làm sao để đối tượng bị bạo hành trong gia đình, nhất là phụ nữ can đảm, dám nói lên tình trạng trong gia đình mình nhằm được bảo vệ một cách chính đáng? Đây quả là vấn đề không đơn giản bởi nó còn liên quan đến nhiều yếu tố, trong đó đặc biệt là thái độ ứng xử của những người xung quanh đối với gia đình xảy ra bạo lực. Tuy nhiên, nếu người phụ nữ cứ âm thầm chịu đựng, không những bản thân, các con thiệt thòi mà ngay cả mong muốn giữ gìn tổ ấm cũng khó trở thành hiện thực.
Để giảm thiểu tình trạng bạo lực gia đình, cần hơn nữa sự chung tay góp sức của nhiều ngành, nhiều đơn vị để hạn chế đến mức thấp nhất những câu chuyện đau lòng xảy ra mà tương lai lâu dài chính là thế hệ trẻ được sinh ra trong những gia đình thường xuyên xảy ra bạo lực.
MINH NGỌC