Cách đây gần 10 năm, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi và cơ sở giết mổ trên địa bàn 8 huyện và TX.Long Khánh. Đây là một chương trình lớn và lâu dài nhằm đưa ngành chăn nuôi vào những vùng tập trung lớn để quản lý chất lượng và dịch bệnh, đồng thời không để chăn nuôi nhỏ lẻ len lỏi khắp nơi gây ô nhiễm môi trường.
Cách đây gần 10 năm, UBND tỉnh đã ban hành quyết định phê duyệt quy hoạch vùng khuyến khích phát triển chăn nuôi và cơ sở giết mổ trên địa bàn 8 huyện và TX.Long Khánh. Đây là một chương trình lớn và lâu dài nhằm đưa ngành chăn nuôi vào những vùng tập trung lớn để quản lý chất lượng và dịch bệnh, đồng thời không để chăn nuôi nhỏ lẻ len lỏi khắp nơi gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, cho đến giờ này, chương trình này mới chỉ thu hút được chưa đầy 30% số trang trại tham gia, một tỷ lệ quá nhỏ so với kỳ vọng, chưa kể chương trình cũng bộc lộ nhiều điểm bất cập cần điều chỉnh.
Có thể nói, Đồng Nai đi đầu cả nước về phát triển chăn nuôi cả ở lĩnh vực thu hút đầu tư FDI lẫn doanh nghiệp tư nhân và hộ chăn nuôi. Trong đó, cả doanh nghiệp và trang trại đều quan tâm ứng dụng những tiến bộ kỹ thuật và công nghệ mới nhất. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, chính quyền địa phương nên có tầm nhìn mới về chăn nuôi, nên cơ cấu lại chăn nuôi xác định rõ vật nuôi chủ lực, lộ trình phát triển chăn nuôi công nghệ cao quy mô công nghiệp cũng như hướng phát triển của chăn nuôi nhỏ lẻ.
Ngành chăn nuôi đang gặp khó khăn vì giá bán thấp nhưng mức giá bán của ta hiện nay vẫn cao hơn so với nhiều nước trên thế giới như nước Mỹ. Những nước đó có lợi thế là giá thành chăn nuôi thấp hơn hẳn của Việt Nam, ở đây muốn cạnh tranh được thì buộc phải giảm giá thành sản xuất. Nhưng đồng thời nâng cao về mặt chất lượng. Và để nâng cao về mặt bằng chất lượng, về mặt quản lý nhà nước cũng cần xây dựng lộ trình quy định về tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm chăn nuôi. Theo đó, xây dựng các chuỗi liên kết với quy trình khép kín, quan tâm đầu tư cho khâu giống, chăn nuôi an toàn, giảm bớt các khâu trung gian là hướng đi cần được quan tâm. Từ đó, xây dựng được những thương hiệu chăn nuôi mạnh của tỉnh. Địa phương cũng cần xác định giết mổ và chế biến là 2 điểm đột phá để tạo hành lang pháp lý nhằm thu hút đầu tư vào 2 mảng này trong thời gian tới.
Nhiều ý kiến doanh nghiệp lẫn chuyên gia tại hội thảo chuyên đề “Quy hoạch chăn nuôi - thực trạng và giải pháp” do UBND tỉnh tổ chức mới đây cho thấy, về điều chỉnh quy hoạch chăn nuôi, chính quyền địa phương cần phân tích, nghiên cứu kỹ nguyên nhân các vùng chăn nuôi tập trung theo quy hoạch chưa thu hút được nhà đầu tư. Qua đó, có chính sách điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp với thực tế chăn nuôi hiện nay. Ở đây nên chuyển từ quy hoạch chăn nuôi tập trung sang hướng chia ra 2 khu vực được chăn nuôi và khu không được chăn nuôi. Trong đó, quy hoạch mới nên quy định thật cụ thể, thật chi tiết về những điều kiện cần và đủ được phép chăn nuôi từ yếu tố diện tích, khoảng cách, tiêu chí môi trường…
Một số chuyên gia cũng bày tỏ, trong trường hợp vẫn giữ quy hoạch chăn nuôi tập trung với các mục tiêu bảo vệ môi trường, đảm bảo an toàn dịch bệnh, bảo vệ nguồn nước thì cần có những giải pháp căn cơ tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn như: giá đất trong vùng quy hoạch chăn nuôi tập trung sau khi có quy hoạch tăng quá cao; các chính sách ưu đãi, hỗ trợ di dời vào vùng chăn nuôi tập trung chưa phù hợp, thủ tục rườm rà; đầu tư hạ tầng chưa đồng bộ… Trong đó, yếu tố cần quan tâm nhất là xây dựng vùng chăn nuôi tập trung phải đồng bộ với xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, như: quy định rõ vành đai cách ly, khoảng cách an toàn giữa các trang trại, vấn đề xử lý môi trường…
Quy hoạch nào qua thời gian cũng sẽ bộc lộ nhiều bất cập, có thể đến từ khách quan, có thể do chủ quan, song khi lộ rõ những bất cập gây cản trở cho phát triển hoặc kiểm soát, sự điều chỉnh kịp thời, hợp lý là cần thiết và hợp lòng dân.
Vi Lâm