Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) mới đây đã ban hành Nghị quyết số 21 về công tác dân số trong tình hình mới.
Hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XII) mới đây đã ban hành Nghị quyết số 21 về công tác dân số trong tình hình mới.
Đây là một nghị quyết khá quan trọng, ra đời sau 25 năm nước ta thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) và các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình. Nghị quyết đã chỉ rõ những bất cập mà công tác dân số, kế hoạch hóa gia đình ở nước ta đang mắc phải, trong đó có mức sinh giữa các vùng còn chênh lệch đáng kể. Mất cân bằng giới tính khi sinh tăng nhanh, đã ở mức nghiêm trọng. Chưa có giải pháp đồng bộ phát huy lợi thế của thời kỳ dân số vàng và thích ứng với già hóa dân số.
Chính vì vậy, nghị quyết đã đề ra mục tiêu giải quyết toàn diện, đồng bộ các vấn đề về quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ tác động qua lại với phát triển kinh tế - xã hội. Duy trì vững chắc mức sinh thay thế; đưa tỷ số giới tính khi sinh về mức cân bằng tự nhiên; tận dụng hiệu quả cơ cấu dân số vàng, thích ứng với già hóa dân số; phân bố dân số hợp lý; nâng cao chất lượng dân số, góp phần phát triển đất nước nhanh, bền vững.
Theo nghị quyết này, đến năm 2030, nước ta sẽ có quy mô dân số khoảng 104 triệu người. Tỷ số giới tính là 109 bé trai/100 bé gái. Tỷ lệ nam, nữ thanh niên được tư vấn, khám sức khỏe trước khi kết hôn đạt 90%; giảm 50% số cặp tảo hôn, giảm 60% số cặp hôn nhân cận huyết thống; 70% phụ nữ mang thai được tầm soát ít nhất 4 loại bệnh tật bẩm sinh phổ biến nhất; 90% trẻ sơ sinh được tầm soát ít nhất 5 bệnh bẩm sinh phổ biến nhất.
Những mục tiêu này là khá cụ thể, cho thấy rõ tầm quan trọng của việc phải tầm soát, chẩn đoán và điều trị sớm bệnh tật trước sinh và sau sinh ở cả bà mẹ và trẻ em, bởi thực tế thời gian qua, công tác này vẫn chưa được quan tâm một cách đúng mức. Do đó, theo thống kê của Bộ Y tế, số trẻ sinh ra bị dị tật hiện chiếm từ 1,5-2% (khoảng 22.000-30.000 trẻ em có bệnh tật bẩm sinh).
Mỗi đứa trẻ sinh ra được khỏe mạnh là niềm vui, hạnh phúc của không chỉ gia đình mà còn là cả xã hội, vì đó là thế hệ tương lai của đất nước. Do vậy, không có lý do gì để những bà mẹ mang thai và đang có ý định mang thai bỏ qua một công đoạn hết sức quan trọng trong 9 tháng 10 ngày vất vả. Chỉ cần dành chút thời gian, công sức và chi phí để tầm soát trước sinh và trong cả thai kỳ sẽ tránh được việc sinh ra những đứa trẻ dị tật, mắc những căn bệnh phải chung sống cả đời, như: down, thiểu năng trí tuệ...
Chủ đề mà Ngày Dân số Việt Nam (26-12) năm nay lựa chọn là “Thực hiện tầm soát, chẩn đoán sớm bệnh tật trước sinh và sơ sinh góp phần nâng cao chất lượng dân số” một lần nữa thể hiện quyết tâm của Việt Nam trong việc nâng cao chất lượng dân số từ những giai đoạn đầu tiên...
Minh Ngọc