Điểm b, Khoản 2, Điều 64 Luật Khoáng sản năm 2010 quy định người được giao sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân được phép khai thác đất làm vật liệu san lấp mặt bằng để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó.
Điểm b, Khoản 2, Điều 64 Luật Khoáng sản năm 2010 quy định người được giao sử dụng đất là hộ gia đình, cá nhân được phép khai thác đất làm vật liệu san lấp mặt bằng để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó. Trường hợp khai thác đất mà không sử dụng để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó thì phải làm thủ tục đề nghị cấp phép khai thác khoáng sản theo quy định của pháp luật.
Bên cạnh đó, để chấn chỉnh công tác quản lý nhà nước trong hoạt động cải tạo đất nông nghiệp, lâm nghiệp có thu hồi đất làm vật liệu san lấp, từ ngày 1-9 trở đi UBND tỉnh không giải quyết việc cải tạo đất nông, lâm nghiệp làm vật liệu san lấp; việc tận thu khoáng sản không xin phép từ đó được xem là vi phạm pháp luật.
Quy định là như thế, nhưng trên thực tế trước nguồn lợi to lớn từ việc khai thác khoáng sản, nhiều đơn vị, cá nhân đã tìm cách “lách luật” để khai thác đất, đá một cách triệt để để đem bán. Đáng nói là tình trạng này đã diễn ra từ lâu và ở nhiều địa phương, như: Trảng Bom, Thống Nhất, Định Quán, Tân Phú…
Tại huyện Tân Phú, một số người lợi dụng chính sách chống sạt lở đất đồi để khai thác đất, đá đem bán. Ở huyện Định Quán, lợi dụng việc được cấp phép khai thác đất để phục vụ các công trình giao thông nông thôn, đơn vị thực hiện là cơ sở kinh doanh vật liệu xây dựng đã “tiện tay” tận dụng đất đồi đem bán ra ngoài... Còn ở các xã: Hưng Thịnh, Sông Trầu và Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom), lợi dụng việc cải tạo đất nông nghiệp phục vụ cho việc sản xuất, một số “đầu nậu” đã hợp tác với chủ đất khai thác đất, đá đem bán… Người ta vô tư đưa phương tiện đến múc đất ở những ngọn đồi cao cả chục mét, rộng hàng trăm, hàng ngàn mét vuông đem bán lấy tiền bỏ túi tư.
Hậu quả từ việc “lách luật” của một số người khai thác đất, đá trái phép đã khiến nhiều quả đồi bị “xẻ thịt” trở nên nham nhở, thậm chí biến mất. Việc khai thác đất, đá trái phép còn gây ô nhiễm môi trường, mất an toàn cho cuộc sống của người dân địa phương và làm thất thoát một lượng lớn tài nguyên khoáng sản.
Điều đáng nói là hoạt động khai thác đất, đá đem bán ở nhiều nơi là hành vi trái phép, nhưng lại công khai ngay giữa ban ngày và diễn ra trong thời gian dài mà ít bị cơ quan chức năng kiểm tra, xử lý.
Giải thích về điều đó, một lãnh đạo huyện Trảng Bom cho biết hoạt động khai thác đất, đá thường diễn ra ngoài giờ hành chính, các đối tượng khai thác đất, đá cho người đeo bám đoàn kiểm tra, canh chừng trên các tuyến đường vào nơi khai thác; nếu phát hiện có người lạ thì thông báo cho chủ khai thác ngưng hoạt động, tẩu tán phương tiện, gây khó khăn cho việc kiểm tra, xử lý…
Tuy nhiên, lời giải thích đó xem ra chưa thuyết phục. Bởi hoạt động khai thác đất, đá ở nhiều nơi diễn ra như một “công trường” với phương tiện hoạt động ầm ĩ, xe tải ben ra vào “công trường” chở đất, đá thường xuyên, người dân địa phương ai cũng biết thì khó có thể nói chính quyền địa phương vốn được tổ chức đến tận cơ sở mà không biết được điều đó.
Như đã nói ở trên, hoạt động khai thác khoáng sản đem lại nguồn lợi lớn nên các đơn vị, cá nhân sẽ còn tìm mọi cách “lách luật” để khai thác đất, đá đem bán; hết chỗ này người ta sẽ lại đến chỗ khác hoạt động chứ không dừng lại và sẽ gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội, làm thất thoát tài nguyên khoáng sản. Đã đến lúc các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương cần tập trung kiểm tra, xử lý mạnh tay với các đối tượng khai thác đất, đá trái phép để đảm bảo sự nghiêm minh của pháp luật, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, bảo vệ môi trường sống, đặc biệt là lấy lại lòng tin của người dân.
Phạm Mai