Sinh tiền, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất quan tâm đến vùng Chiến khu Đ (huyện Vĩnh Cửu) và gợi ý phát triển vùng đất này theo hướng du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa kết hợp với bảo vệ môi trường.
Sinh tiền, cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt rất quan tâm đến vùng Chiến khu Đ (huyện Vĩnh Cửu) và gợi ý phát triển vùng đất này theo hướng du lịch sinh thái, lịch sử, văn hóa kết hợp với bảo vệ môi trường. Năm 2004, một đơn vị đặc biệt ra đời theo định hướng này, đó là Khu Bảo tồn thiên nhiên và di tích Vĩnh Cửu (nay là Khu Bảo tồn thiên nhiên - văn hóa Đồng Nai, thường gọi là Khu bảo tồn).
Nói là đặc biệt, vì Khu bảo tồn có diện tích rất lớn, lên đến trên 100 ngàn hécta bao gồm cả đất lâm nghiệp và hơn 32 ngàn hécta mặt nước hồ Trị An, nằm trên địa bàn cả 5 huyện: Vĩnh Cửu, Định Quán, Tân Phú, Trảng Bom và Thống Nhất. Ngoài công tác bảo tồn và phát huy hệ sinh thái động, thực vật phong phú của địa phương, nhiệm vụ của đơn vị còn là tận dụng ưu thế tự nhiên để phát triển du lịch.
Năm 2016, Khu bảo tồn đón 18 ngàn du khách, năm 2017 con số này có tăng với khoảng 23 ngàn lượt người, nhưng doanh thu từ du lịch đến nay chưa nuôi nổi bộ máy; phần lớn là khách tham gia “về nguồn” tại các di tích cách mạng (Trung ương Cục miền Nam, Khu ủy miền Đông) nên hoạt động du lịch chỉ mới ở hướng phục vụ là chính, chưa đi sâu khai thác “kiếm tiền” từ yếu tố thiên nhiên (rừng, hồ, đảo). Vì sao với rất nhiều lợi thế về thiên nhiên, lịch sử, văn hóa nhưng phát triển du lịch nơi này là “èo uột” đến vậy?
Câu hỏi đầu tiên để phát triển du lịch ở “vùng đất vàng” này, đó là “tiền đâu”. Mỗi năm, Khu bảo tồn được ngân sách cấp khoảng trên 100 tỷ đồng nhưng chủ yếu là cho các hoạt động về quản lý và bảo vệ rừng, nguồn chi cho du lịch hầu như không có. “Không bột sao gột nên hồ”, đến nay cơ sở vật chất phục vụ du lịch ở Khu bảo tồn hầu như chưa có gì. Năm 2011, UBND tỉnh đã thông qua đề án xây dựng Tháp biểu trưng Chiến khu Đ - được kỳ vọng là “trái tim” của vùng chiến khu xưa và là “cú hích” đánh thức tiềm năng du lịch của cả khu vực. Công trình được động thổ vào ngày 29-4-2011, thời gian thi công dự kiến là 3 năm nhưng trong thực tế đến nay công trình vẫn còn… nằm trên giấy.
Không chỉ là tiền, phát triển du lịch của Khu bảo tồn còn thiếu sự phối hợp đồng bộ từ các ngành, địa phương có liên quan. Có đến hàng chục năm, đường tỉnh 767 dẫn vào Khu bảo tồn vẫn là “con đường đau khổ”, đủ làm nản lòng du khách. Mãi đến gần đây đường 767 mới được xây dựng hoàn chỉnh, nhưng vẫn thiết kế là đường tỉnh nhỏ hẹp. Trong khi đó, hệ thống đường thủy kết nối Khu bảo tồn với các địa phương hoàn toàn bị bỏ quên dù vị trí địa lý rất thuận lợi nhờ vào hệ thống sông Sài Gòn, sông Đồng Nai, sông La Ngà, hồ Trị An… Một khi vấn đề giao thông chưa được khai thông, du lịch khó thể cất cánh.
Ngoài ra, có một điều tế nhị “dù không nói ra nhưng ai cũng biết”, đó là các địa phương xung quanh vẫn có tư duy xem chuyện phát triển du lịch ở Khu bảo tồn không phải là chuyện của mình, bởi doanh thu du lịch nếu có cũng thuộc về Khu bảo tồn mà không vào ngân sách địa phương. Từ đó, tâm lý thờ ơ, thiếu phối hợp giữa các địa phương với Khu bảo tồn là điều đương nhiên. Với quá nhiều “sức ì”, rào cản như vậy, không lạ khi du lịch ở đây ì ạch đến vậy. Tất nhiên, không thể không kể đến yếu tố chủ quan từ phía chủ nhà Khu bảo tồn khi chưa tổ chức liên kết tốt với các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, chưa tạo ra được sản phẩm du lịch mang bản sắc riêng để thu hút khách…
Mới đây, UBND tỉnh tổ chức thẩm định đề án quy hoạch, phát triển du lịch Khu bảo tồn đến năm 2030 với tổng kinh phí dự kiến là 1.172 tỷ đồng. Các chuyên gia, nhà khoa học đã đóng góp nhiều ý kiến rất sắc nét về mặt chuyên môn. Tuy nhiên, nếu chưa “gỡ” được những vướng mắc về kinh phí, nguồn nhân lực cùng sự phối hợp đồng bộ, du lịch Khu bảo tồn sẽ còn tiếp tục ì ạch.
Hà Lam