Hình ảnh khoanh tay đứng như tượng của Vũ Văn Thanh sau cú sút 11m quyết định đưa U.23 Việt Nam vào chung kết mang đầy sức ám ảnh và tính biểu tượng: Một "Dáng đứng Việt Nam" hiên ngang, tự tin, kiêu hãnh!
Hình ảnh khoanh tay đứng như tượng của Vũ Văn Thanh sau cú sút 11m quyết định đưa U.23 Việt Nam vào chung kết mang đầy sức ám ảnh và tính biểu tượng: Một “Dáng đứng Việt Nam” hiên ngang, tự tin, kiêu hãnh!
Vũ Văn Thanh sau cú sút 11m quyết định đưa U.23 Việt Nam vào chung kết |
Sau chiến thắng “như phim” ở tứ kết trước Iraq, tôi viết: “Không thể tin nổi”. Một đồng nghiệp hỏi thế nếu Việt Nam vào chung kết thì sao? Quả không còn mỹ từ cảm thán nào để mô tả, đành mượn lời một người chị cuồng nhiệt: “Kinh thiên động địa!”.
Lần đầu tiên trong giải U.23 Việt Nam bị dẫn trước, không những đến 3 lần (2 lần trong 90 phút và mở đầu loạt sút luân lưu), trận thứ 2 liên tiếp phải nhận phạt đền nghiệt ngã và vắt sức trong 120 phút đấu, nhưng các “chiến binh” của chúng ta vẫn vô cùng bản lĩnh thực hiện cuộc lội ngược dòng thần kỳ (tuyệt phẩm của Quang Hải gỡ hòa ở phút 88 chỉ đúng 1 phút sau khi nhận bàn thua thứ 2) để một lần nữa chiến thắng trong cuộc đấu cân não trên chấm 11m. Giờ thì ai dám nói thầy trò huấn luyện viên Park Hang-seo chỉ biết đá phòng ngự, dựng xe buýt?
Bước qua cả đương kim đệ tam và đệ tứ anh hào của giải (nhà đương kim vô địch Nhật Bản và á quân Hàn Quốc cũng đều rơi rụng), “bé hạt tiêu” U.23 Việt Nam kiêu hùng, hiên ngang vào chung kết.
Từng trận, từng trận, hết tên tuổi lớn này đến ứng cử viên khác lần lượt ngã trước thầy trò HLV Park Hang-seo. U.23 Việt Nam lập hết kỳ tích này đến kỳ tích khác, đưa không chỉ người hâm mộ nước nhà mà toàn thể châu Á đi từ bất ngờ này đến ngạc nhiên, ngỡ ngàng khác. Từ một đội được đánh giá thấp nhất, chỉ mong tìm được điểm đầu tiên đã là “làm nên lịch sử”, đi thẳng đến trận cuối cùng tranh ngôi vô địch châu lục quả là… “kinh thiên động địa”. Thiên thần thoại Hy Lạp ở EURO Bồ Đào Nha 2004 đang được kể lại bằng câu chuyện cổ tích Việt Nam trên xứ Trung Hoa. Tại vòng chung kết U.23 châu Á 2018, các cầu thủ đã đưa đến với nước chủ nhà Trung Quốc và toàn cõi lục địa vàng một thông điệp hình ảnh về một Việt Nam nhỏ bé nhưng kiên cường, bất khuất; một khi huy động được mọi tinh thần và lực lượng, có một chiến thuật, chiến lược đúng đắn, một huấn luyện viên tài ba, thu phục lòng quân thì hoàn toàn có thể đánh bại những “cường quốc” (Qatar, nước chủ nhà của World Cup 2022, có thu nhập bình quân đầu người cao nhất thế giới với 131.063 USD năm 2017, gấp… 50 lần Việt Nam).
Chu kỳ lịch sử 10 năm lặp lại!
Hình ảnh cả nước xuống đường tròn 20 năm trước khi đội tuyển Việt Nam vào chung kết Tiger Cup 1998 và 10 năm trước với chức vô địch AFF Cup 2008 lại tái hiện nhưng với sự tiếp sức từ bùng nổ truyền thông và lan tỏa, chia sẻ của mạng xã hội, cấp độ của cơn sốt bóng đá còn khủng khiếp hơn gấp nhiều lần. Cả đất nước vỡ òa trong niềm vui chiến thắng. Nếu sau trận tứ kết với Iraq mới là tự phát vì bất ngờ thì với sự chờ đợi, chuẩn bị từ trước cuộc xuống đường sau chiến thắng Qatar ở bán kết vào tối 23-1 có thể nói là sự bùng nổ chưa từng có, cuốn đi cả những người vốn hoàn toàn thờ ơ hay mù tịt về bóng đá. Trên khắp dải đất hình chữ S, người người, nhà nhà xuống đường bày tỏ niềm hân hoan tột đỉnh. Mọi con đường đều tràn ngập sắc đỏ cờ Tổ quốc, nối dài vô tận. Lạ cũng thành quen, tất cả mọi người sát cánh ôm nhau hô vang hai tiếng “Việt Nam”. Chiến tích kỳ vĩ của các chàng trai U.23 trở thành nguồn cảm hứng lớn lao, khơi dậy niềm tự hào dân tộc mãnh liệt. Không hiểu nếu thứ bảy ngày 27-1, thầy trò ông Park nâng cao chiếc cúp vô địch thì còn sẽ đến thế nào?
Nhưng đã đến trước ngõ thiên đường, bất luận kết quả trận chung kết ra sao, những Quang Hải, Tiến Dũng, Duy Mạnh, Đình Trọng, Xuân Trường, Công Phượng… đã là những nhà vô địch trong hàng triệu triệu trái tim Việt khi họ đã viết nên một chương vĩ đại trong lịch sử bóng đá Việt Nam, gây chấn động toàn châu Á.
MINH CHUNG