Báo Đồng Nai điện tử
En

Lợi riêng phải hòa với lợi chung

10:01, 14/01/2018

Cuối năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn 2050.

Cuối năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch xây dựng vùng TP.Hồ Chí Minh đến năm 2030 và tầm nhìn 2050. Quy hoạch này đã được xây dựng trong nhiều năm nay, bắt đầu từ năm 2008 và vượt qua nhiều vòng phản biện với mục tiêu phát triển vùng TP.Hồ Chí Minh trở thành một vùng đô thị lớn năng động và bền vững, trung tâm kinh tế lớn của cả nước và khu vực Đông Nam Á.

Từ lâu, nhiều chuyên gia kinh tế và lãnh đạo các địa phương đã có nhiều tranh luận về việc làm sao để khai thác lợi thế kinh tế - xã hội dựa trên những đặc điểm về vùng, chứ không phải của từng địa phương riêng biệt. Thực tế, không dễ tính toán và phát triển những thế mạnh đơn lẻ của từng nơi, chẳng hạn Đồng Nai hay Tây Ninh, bởi có rất nhiều thứ liên quan mà người làm chính sách phải tính toán trên quy mô lớn, cân nhắc thiệt hơn, thuận lợi/khó khăn thì mới có hiệu quả, chứ nếu chỉ quy hoạch hay làm chính sách cho những tỉnh, thành riêng lẻ thì dễ dẫn đến tình trạng manh mún, nhỏ lẻ, chỗ thừa vẫn thừa, chỗ thiếu vẫn thiếu. Đơn cử, quy hoạch và thực hiện một đại dự án về sân bay, cảng biển hay đường cao tốc buộc phải được tính toán trên cả một vùng rộng lớn, có tính lan tỏa, chứ không thể mỗi địa phương đều làm một sân bay riêng, một đường cao tốc hay một cảng biển riêng mà thiếu sự cân nhắc, hợp tác, dễ dẫn đến việc đặt chính các địa phương rơi vào thế cạnh tranh lẫn nhau, thay vì hợp tác.

Tại nhiều quốc gia, việc tính toán phát triển kinh tế theo vùng không còn xa lạ và cho thấy nhiều lợi thế khi triển khai trên thực tế, như: vùng Berlin, Frankfurt (Đức) là vùng tương đồng với TP.Hồ Chí Minh về quy mô, dân số, London (Anh), vùng Paris (Pháp), vùng Barcelona (Tây Ban Nha), vùng Seoul (Hàn Quốc), vùng Tokyo (Nhật Bản), Milan (Italy).

Theo Chính phủ, trong quy hoạch vùng lần này, TP.Hồ Chí Minh là đô thị hạt nhân trung tâm của vùng; TP.Bình Dương là đô thị động lực phía Bắc, TP.Biên Hòa - Long Thành - Nhơn Trạch là vùng đô thị động lực phía Đông. Đô thị Củ Chi - Hậu Nghĩa - Đức Hòa là các đô thị động lực vùng phía Tây Bắc. Bến Lức - Cần Giuộc - Hiệp Phước là các đô thị sinh thái phía Tây Nam.

Lo lắng lớn nhất của Đồng Nai nói riêng và các địa phương khác trong vùng TP.Hồ Chí Minh nói chung là liệu rằng quy hoạch chung của cả vùng có chồng chéo với quy hoạch phát triển riêng của từng tỉnh, thành phố hay không. Các địa phương cũng mất nhiều năm xây dựng các quy hoạch chi tiết với tầm nhìn nhiều năm, do đó đây cũng là lo lắng đáng kể đến, bởi nó sẽ ảnh hưởng mật thiết đến đời sống người dân. Mặc dù đến lúc này, nhiều người có trách nhiệm tại Đồng Nai cho biết chưa có những khác biệt quá lớn giữa quy hoạch riêng của địa phương và quy hoạch vùng, tuy nhiên có lẽ sẽ cần những thay đổi để quy hoạch vùng và quy hoạch riêng của các địa phương không bị trùng lắp, chồng chéo, gây bất ổn cho người dân. Và cũng cần những hướng dẫn nhanh chóng, kịp thời khi phát sinh những khác biệt để lợi ích riêng của từng nơi hòa hợp với lợi ích chung của toàn vùng, cùng nhau phát triển.

Kim Ngân

 

 

Tin xem nhiều