Báo Đồng Nai điện tử
En

Tài nguyên nước không phải "của trời cho"

11:01, 17/01/2018

Không phải mới đây, mà từ năm 2008 Bộ Tài nguyên - môi trường đã có Quyết định số 15 quy định bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, thường gọi là nước ngầm.

Không phải mới đây, mà từ năm 2008 Bộ Tài nguyên - môi trường đã có Quyết định số 15 quy định bảo vệ tài nguyên nước dưới đất, thường gọi là nước ngầm. Các nhà khoa học đã cảnh báo, việc khai thác nước ngầm quá mức sẽ dẫn đến nhiều hậu quả khó lường, như làm cho nền đất bị lún rất khó khôi phục, kéo theo đó là hạ tầng kỹ thuật (đường sá, nhà cửa, công trình xây dựng) bị lún theo. Khai thác nước ngầm nhiều còn dẫn đến chất lượng nguồn nước suy giảm, nhiễm bẩn và mặn, ảnh hưởng đến sức khỏe và đời sống của người dân.

Trước đây do kinh tế khó khăn, nhiều địa phương (trong đó có Đồng Nai) chưa đủ điều kiện cung cấp nước máy nên phải “nhắm mắt” cho người dân, doanh nghiệp ở một số khu vực khai thác nước ngầm sử dụng trong sinh hoạt, sản xuất. Tỉnh Đồng Nai nhiều nhiệm kỳ qua luôn đặt chỉ tiêu, giải pháp nâng cao tỷ lệ cung cấp nước sạch cho người dân, giảm tỷ lệ sử dụng nước ngầm. Năm 2016, toàn tỉnh đã hoàn thành mục tiêu 100% số dân vùng nông thôn có nước hợp vệ sinh sử dụng. Năm 2017, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 4063 phê duyệt danh mục vùng cấm khai thác nước dưới đất, vùng cấm xây mới công trình khai thác nước dưới đất, vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, khu vực phải đăng ký khai thác nước dưới đất đối với các huyện, thị trên địa bàn tỉnh. Tỉnh cũng xây dựng lộ trình dừng khai thác nước ngầm ở những khu vực đã có hệ thống nước máy để bảo vệ tài nguyên nước, có 21 doanh nghiệp đang khai thác nước ngầm với công suất lớn phải ngừng khai thác từ cuối năm 2017. Không riêng Đồng Nai, nhiều địa phương trong cả nước cũng đã xây dựng kế hoạch, lộ trình và ngừng khai thác nước ngầm.

Thế nhưng, cho đến nay nhiều doanh nghiệp trong tỉnh vẫn tìm cách “dằng dai” không thực hiện, với những lý do như: “lỡ” đầu tư hệ thống khai thác và cung cấp nước ngầm, còn thời hạn được cấp phép khai thác nước ngầm… Nguyên nhân khiến các doanh nghiệp không muốn dừng khai thác nước ngầm không gì khác ngoài chữ “lợi”, bởi chi phí sử dụng nước ngầm thấp hơn nhiều so với nước máy.

Quyết định số 15 của Bộ Tài nguyên - môi trường cũng quy định cơ quan quản lý nhà nước có quyền căn cứ vào mức độ nguy hại để giảm lưu lượng khai thác hoặc số lượng công trình khai thác nước ngầm, cũng như cấm toàn bộ hoạt động khai thác nước ngầm. Vì thế, các doanh nghiệp dù còn thời hạn cấp phép khai thác nước ngầm vẫn cần chấp hành quyết định ngưng khai thác của UBND tỉnh. Việc dừng khai thác nước cũng được tỉnh thực hiện theo lộ trình, nên không thể viện dẫn lý do “lỡ đầu tư”.

Các chuyên gia cảnh báo mực nước ngầm ở nước ta đang hạ xuống mức báo động. Một số vùng ven biển đồng bằng Bắc bộ do khai thác nước ngầm quá mức nên gần như toàn bộ tầng chứa nước bị nhiễm mặn hoặc nhiễm bẩn, độ khoáng hóa cao hơn quy định nên không đủ tiêu chuẩn sử dụng cho ăn uống. Trong khi đó, các tỉnh ven biển đồng bằng sông Cửu Long liên tục đối mặt với tình trạng nước mặn xâm nhập sâu vào nội đồng trong mùa khô và ngập do triều cường vào mùa mưa cũng do tình trạng khai thác nước ngầm quá mức.

Đã đến lúc các doanh nghiệp cần chấm dứt tư duy xem nước ngầm là “của trời cho”, mà phải xác định đó là tài nguyên cần được bảo vệ. Môi trường sống trong tương lai của thế hệ con cháu đang phụ thuộc vào cách chúng ta sử dụng tài nguyên hôm nay.

Hà Lam

Tin xem nhiều