Báo Đồng Nai điện tử
En

Tận dụng cơ hội

10:01, 22/01/2018

Toyota, Honda và một số hãng xe ngoại khác ít nhất trong vài tháng tới sẽ không xuất khẩu xe hơi dưới 9 chỗ ngồi vào thị trường Việt Nam bởi những quy định ngặt nghèo của Nghị định 116/2017 được ban hành vào tháng 10-2017.

Toyota, Honda và một số hãng xe ngoại khác ít nhất trong vài tháng tới sẽ không xuất khẩu xe hơi dưới 9 chỗ ngồi vào thị trường Việt Nam bởi những quy định ngặt nghèo của Nghị định 116/2017 được ban hành vào tháng 10-2017.

 Honda vừa tạm dừng xuất khẩu ôtô sang Việt Nam từ đầu năm 2018
Honda vừa tạm dừng xuất khẩu ôtô sang Việt Nam từ đầu năm 2018

Chẳng hạn với ô tô chưa qua sử dụng, doanh nghiệp nhập khẩu phải cung cấp bản sao giấy chứng nhận chất lượng, kiểu loại ô tô nhập khẩu được cấp bởi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền của nước ngoài... trong khi phía nước ngoài không cung cấp giấy này. Hiện phía doanh nghiệp vẫn đang chờ có thông tư hướng dẫn cụ thể để xem có thể đáp ứng các tiêu chuẩn và tiếp tục nhập xe hay không. Do đó, phản ứng dễ thấy của thị trường là xe nhập khẩu khan hiếm và tăng giá, nhiều khách hàng buộc phải chọn các dòng xe lắp ráp trong nước.

Trước đó, người tiêu dùng đặt nhiều kỳ vọng sẽ mua được xe hơi nhập khẩu giá rẻ hơn hiện tại nhiều, do các dòng thuế sẽ giảm dần về 0% theo lộ trình cam kết từ các hiệp định thương mại song phương và đa phương đã ký trước đó, đầu tiên là thị trường ASEAN. Tuy nhiên với sự có mặt của Nghị định 116, giới chuyên môn đánh giá ít nhất phải 6 tháng nữa, may ra các nhà sản xuất và nhập khẩu xe mới có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn và hàng rào kỹ thuật mà quy định mới đặt ra.

Thêm một cơ hội nữa cho các nhà sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước là điều dễ dàng nhận thấy. Thực ra, từ nhiều năm trước Chính phủ đã có nhiều chính sách hỗ trợ cho ngành sản xuất và lắp ráp ô tô trong nước có cơ hội phát triển. Tuy nhiên, nội lực chưa mạnh nên các chính sách đó chưa phát huy tác dụng, thậm chí còn tạo điều kiện nhiều hơn cho các hãng xe ngoại vừa tổ chức sản xuất, lắp ráp trong nước (với tỷ lệ nội địa hóa thấp) để hưởng các ưu đãi, vừa nhập xe về bán. Những chính sách này từng gây nhiều tranh luận về hiệu quả thực sự của chúng, rằng liệu công nghiệp sản xuất ô tô trong nước đã phát triển xứng đáng chưa sau nhiều năm được ưu đãi?

Nghị định 116 dù muốn dù không cũng sẽ là một chính sách gây tranh luận, tùy góc nhìn của người tiêu dùng hay của nhà sản xuất, và cũng không dễ để đánh giá toàn diện đúng-sai vì nó cần thời gian chứng minh qua thực tế. Tuy nhiên, nói gì đi nữa, bối cảnh hiện nay đã khác. Việt Nam đã có những nhà sản xuất và lắp ráp ô tô nội địa có quy mô và tầm vóc lớn, có nguồn vốn mạnh, như: Trường Hải và mới đây nhất là Vinfast của Tập đoàn Vingroup, do đó có thể tác động của chính sách lần này sẽ khác. Thêm vào đó, các nhà sản xuất xe vẫn có thể cố gắng đáp ứng các tiêu chuẩn nhập xe, hoặc vẫn có thể tăng mạnh tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm và tổ chức sản xuất các mẫu xe của mình tại Việt Nam. Nhìn chung, nếu đáp ứng tốt, mọi cánh cửa sẽ không quá khó. Tuy vậy về lâu dài, các chính sách rõ ràng phải đặt quyền lợi người tiêu dùng lên trên hết: dù là xe sản xuất trong nước hay xe nhập khẩu, chất lượng vẫn là điều tiên quyết.

VI LÂM

Tin xem nhiều