Báo Đồng Nai điện tử
En

Triển vọng và thách thức

11:01, 07/01/2018

Bất chấp những khó khăn, xuất khẩu của Việt Nam năm 2017 đã lập một kỷ lục mới đủ sức thuyết phục những chuyên gia kinh tế khắt khe nhất.

Bất chấp những khó khăn, xuất khẩu của Việt Nam năm 2017 đã lập một kỷ lục mới đủ sức thuyết phục những chuyên gia kinh tế khắt khe nhất. Đầu năm 2017, Chính phủ đặt ra mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu chỉ đạt khoảng 10%, song kết thúc năm 2017 xuất khẩu đã tăng trưởng đến 21%. Không chỉ so với mục tiêu đề ra mà ngay cả so với các quốc gia trong khu vực, đây cũng là mức tăng trưởng đầy ấn tượng. Sau 10 năm, Tổ chức thương mại thế giới (WTO) đã đánh giá lại bảng xếp hạng xuất khẩu, và Việt Nam đã tăng từ vị trí 50 lên vị trí 26 trong bảng tổng sắp toàn cầu về xuất khẩu.

Theo Bộ Công thương, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2017 ước tính đạt 213,77 tỷ USD. Trong đó, khu vực kinh tế trong nước đạt 58,53 tỷ USD, tăng 16,2%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 155,24 tỷ USD, tăng 23%. Nếu loại trừ yếu tố giá, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2017 tăng 17,6% so với năm 2016. Ấn tượng nhất là lần đầu tiên ngành nông nghiệp năm qua đạt mức xuất siêu đạt 7 tỷ USD, cho thấy Việt Nam đã có hướng đi đúng đắn trong việc đầu tư vào nông nghiệp công nghệ cao, đầu tư vào sản xuất hàng hóa và giảm dần việc xuất khẩu tài nguyên.

Ngoài nông sản, các mặt hàng khác như dệt may, linh kiện điện tử, thiết bị máy tính, giày dép, sản phẩm gỗ… đều tăng trưởng khá ấn tượng. Lần đầu tiên Việt Nam đạt mức xuất siêu gần 2,7 tỷ USD sau nhiều năm liền nhập siêu cao. Tất cả những thành tựu này đã đặt nền móng cho xuất khẩu năm 2018 được dự đoán sẽ đạt được nhiều thành công hơn nữa.

Có 2 yếu tố khiến xuất khẩu năm 2018 được nhiều kỳ vọng tốt, đầu tiên đó là các hiệp định thương mại song phương và đa phương đang dần có hiệu lực, tạo điều kiện tốt cho xuất khẩu. Đặc biệt, hiệp định thương mại tự do (FTA) được mong chờ nhiều nhất giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EU) dự kiến có hiệu lực trong năm 2018 với nhiều dòng thuế giảm dần, được cho là sẽ giúp xuất khẩu thuận lợi và đạt tăng trưởng ấn tượng hơn.

Tại Đồng Nai, rất nhiều doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực sản xuất hàng hóa cũng đang trông chờ FTA này, bởi EU là một trong những thị trường lớn được nhắm tới cho cả sản xuất nông nghiệp lẫn công nghiệp. Các FTA với các khu vực khác trong năm 2018 cũng theo lộ trình giảm thuế. Được chờ đợi nhất là RCEP (Hiệp định đối tác toàn diện khu vực với 16 quốc gia, bao gồm 10 nước thành viên của ASEAN cùng với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Úc và New Zealand). Hiệp định này được đàm phán từ năm 2013 và nếu RCEP thành công sẽ tạo ra một trong những khối thương mại tự do lớn nhất thế giới với gần một nửa dân số toàn cầu và 39% GDP toàn cầu. Hiện các nước đang thúc đẩy hoàn tất đàm phán và ký kết trong năm 2018.

Yếu tố còn lại không kém phần quan trọng là nội lực của doanh nghiệp trong nước. Nhận rõ đâu là thuận lợi, đâu là thách thức và tự mình xoay xở để nắm bắt thời cơ chính là những điều mà nhiều doanh nghiệp đã và đang làm, dù ở nhiều mức độ khác nhau. Một khi cơ hội mở ra, đòi hỏi doanh nghiệp phải đủ sức lực để tham gia cuộc chơi đó, từ năng lực sản xuất đến vốn liếng, kinh nghiệm, từ nhân lực đến khả năng ứng dụng công nghệ mới, thiếu yếu tố nào đều không ổn, bởi sự cạnh tranh đến từ hàng trăm quốc gia trên quy mô toàn cầu và ít khi có sự thiên vị. Vì vậy, triển vọng sẽ đi kèm với thách thức, cơ hội thị trường năm 2018 nói riêng và những năm về sau nói chung sẽ mở ra cho tất cả những doanh nghiệp nào đủ nội lực để tham gia.

VI LÂM

Tin xem nhiều