Khoảng 20 tuyến đường tỉnh và gần 20 tuyến đường giao thông cấp huyện, thành phố sẽ được đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng hoặc điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với nhu cầu phát triển chung, kể từ năm 2020 và những năm sắp tới là thông tin được nhiều địa phương và người dân rất quan tâm.
Khoảng 20 tuyến đường tỉnh và gần 20 tuyến đường giao thông cấp huyện, thành phố sẽ được đầu tư xây mới, nâng cấp, mở rộng hoặc điều chỉnh quy hoạch cho phù hợp với nhu cầu phát triển chung, kể từ năm 2020 và những năm sắp tới là thông tin được nhiều địa phương và người dân rất quan tâm. Nội dung này thể hiện khá chi tiết trong Quy hoạch giao thông vận tải đường bộ của Đồng Nai năm 2020 và định hướng đến năm 2030 vừa được HĐND tỉnh thông qua.
Một bức tranh toàn cảnh về mạng lưới giao thông cấp tỉnh và cấp huyện trong những năm tới đã được phác thảo tương đối rõ ràng và sẽ được các cấp chính quyền ưu tiên thực hiện nhằm tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế - xã hội của Đồng Nai nói chung và từng địa phương nói riêng.
Thành thực mà nói, vì nhiều lý do, trong đó có lý do lịch sử để lại và thiếu thốn về nguồn lực nên cho đến khoảng 6-7 năm gần đây, mạng lưới giao thông đường bộ trong tỉnh mới có nhiều khởi sắc. Trước đó, suốt một thời gian dài, rõ ràng hạ tầng giao thông Đồng Nai chưa được đầu tư tương xứng với tiềm năng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Cụ thể, nhiều tuyến quốc lộ qua địa bàn tỉnh quá tải và xuống cấp, đường tỉnh ít được đầu tư, các tuyến đường nội ô đô thị cũng chậm được sửa sang, mở rộng… Điều này cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế - xã hội, thu hút đầu tư, kết nối liên tỉnh và liên vùng…
Có thể nói, mấy năm gần đây, bức tranh giao thông đường bộ của Đồng Nai có nhiều sự khởi sắc ấn tượng. Chẳng hạn, các tuyến quốc lộ như quốc lộ 1A, quốc lộ 20, quốc lộ 51 đi qua địa bàn tỉnh đều đã được sửa sang, nâng cấp. Ngoài ra, dự án đường cao tốc TP.Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây được đầu tư và đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó là các dự án cao tốc đang triển khai như: Bến Lức - Long Thành, Dầu Giây - Phan Thiết… cùng các tuyến đường vành đai 3, vành đai 4 (đang chuẩn bị được đưa vào quy hoạch); các tuyến đường kết nối dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành với các khu vực lân cận… hứa hẹn sẽ cùng tạo nên một mạng lưới giao thông đường bộ hoàn chỉnh, thông suốt và có tính kết nối cao trong tương lai.
Riêng Đồng Nai, những nỗ lực cải thiện chất lượng và tính kết nối của hệ thống giao thông đường bộ thời gian qua là rất đáng ghi nhận, người dân được hưởng lợi nhiều, thu hút đầu tư vào các vùng sâu, vùng xa khởi sắc hơn, tạo đà cho kinh tế - xã hội phát triển bền vững.
Chính vì vậy, quy hoạch hệ thống giao thông tỉnh trong giai đoạn tới càng được đặt nhiều kỳ vọng. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất vẫn là tìm các kênh tạo vốn để còn nguồn lực thực hiện đúng quy hoạch đề ra, bởi dự kiến ban đầu cho thấy Đồng Nai sẽ cần đến hàng chục ngàn tỷ đồng để thực hiện xây mới, nâng cấp được hàng chục tuyến đường tỉnh và đường huyện trong 10 năm tới. Ngoài sự chủ động của địa phương, còn cần đến những chính sách thu hút đầu tư hạ tầng minh bạch, thông thoáng hơn từ phía Chính phủ để thu hút thêm nhiều nguồn lực vào hạ tầng giao thông, bởi đây là yếu tố sẽ “dẫn đường” cho sự phát triển dài lâu.
Vi Lâm