Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần 'giãn dân' một cách tự nhiên

10:01, 12/01/2020

Không chỉ là thành phố trực thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước với hơn 1,1 triệu người, thật đáng ngạc nhiên khi TP.Biên Hòa còn là thành phố có mật dộ dân số cao suýt soát TP.Hồ Chí Minh và cao hơn hẳn TP.Hà Nội.

Không chỉ là thành phố trực thuộc tỉnh có dân số đông nhất cả nước với hơn 1,1 triệu người, thật đáng ngạc nhiên khi TP.Biên Hòa còn là thành phố có mật dộ dân số cao suýt soát TP.Hồ Chí Minh và cao hơn hẳn TP.Hà Nội. Cụ thể, mật độ dân số tại TP.Biên Hòa hiện nay là trên 4 ngàn người/km2, trong khi TP.Hồ Chí Minh là gần 4,3 ngàn người/km2 và TP.Hà Nội là gần 2,4 ngàn người/km2.

Những con số trên chứng tỏ, đồng hành với tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nổi bật, với sự phát triển mạnh mẽ của sản xuất công nghiệp là những áp lực không hề nhỏ về dân số lên chính quyền thành phố.

Không khó để có thể “chỉ mặt đặt tên” những áp lực: mở đường, xây cầu, xây công viên, trường học, bệnh viện, phát triển các dịch vụ phục vụ đời sống, chợ, siêu thị… và ngay cả những nhu cầu vui chơi giải trí, phục vụ tinh thần như: nhà hát, rạp chiếu phim, xét đến cùng đều là những nhu cầu chính đáng của người dân đô thị.

Tất cả những nhu cầu kể trên, nếu nhìn nhận một cách sòng phẳng thì hiện nay các đô thị tại Việt Nam nói chung và TP.Biên Hòa nói riêng đều chưa đáp ứng tốt. Có nhiều lý do khiến những chuyển dịch về hạ tầng đời sống không theo kịp tốc độ tăng dân số và nhu cầu người dân, song tựu trung lại vẫn là nguồn lực có hạn và một phần nào đó là sự tính toán, quy hoạch, phân bổ nguồn lực chưa căn cơ, lâu dài.

Điều này dẫn đến nhiều đô thị đang phát triển một cách khá… tự phát, thiếu “bàn tay” sắp xếp và quy hoạch. Chẳng hạn, số lượng người dân đông lên rất nhanh qua từng năm, song các dịch vụ căn bản phục vụ đời sống lại chỉ tập trung ở vài khu vực trung tâm thành phố, trong khi phần còn lại - những khu vực ngoại vi - lại chỉ là những nơi để ở. Càng “dồn” về trung tâm để làm việc và sử dụng dịch vụ thì gánh nặng càng lớn: kẹt xe, thiếu chỗ đậu xe, thiếu mảng xanh, ô nhiễm… và lâu dần dẫn đến một sự phát triển không đồng đều ở ngay trong một thành phố.

Trên thực tế, chính quyền TP.Biên Hòa đã nhận thấy những áp lực này và có hướng đầu tư phát triển đô thị cho những khu vực ngoại vi để “giãn dân” một cách tự nhiên. Thậm chí, trong nhiều năm trước từng vài lần muốn “dời” trung tâm hành chính ra các khu vực rộng hơn bởi vùng “lõi” của Biên Hòa hiện nay đã rất chật chội nhưng không thành công.

Với những gì đang có hiện nay, cộng với “đà” tăng dân số trong những năm tới, không khó để dự đoán rằng TP.Biên Hòa sẽ ngày càng “quá tải” hơn trong tương lai gần nếu không tính toán phát triển những tiểu đô thị vệ tinh nhằm “gánh vác” và “chia lửa” cho khu vực trung tâm. Song, nói đi cũng phải nói lại, muốn thực hiện được điều này, thành phố cần những nguồn lực lớn về vốn liếng, nhân lực, chính sách và đặc biệt là các cơ chế thu hút nguồn lực từ khối tư nhân phải được “khơi thông”, bởi khó có ngân sách nào đủ trang trải cho những nhu cầu về hạ tầng đa dạng phục vụ cho một đô thị có tốc độ phát triển nhanh và mạnh như TP.Biên Hòa.         

Vi Lâm

Tin xem nhiều