Việc quy hoạch các khu đất tạo vốn, các khu đất có nhiều lợi thế khi triển khai các dự án (nhất là các dự án giao thông, hạ tầng) đang được Đồng Nai đẩy mạnh thực hiện. Mục tiêu cao nhất của việc này chính là chủ động tạo ra nguồn vốn để tái đầu tư cho các công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Việc quy hoạch các khu đất tạo vốn, các khu đất có nhiều lợi thế khi triển khai các dự án (nhất là các dự án giao thông, hạ tầng) đang được Đồng Nai đẩy mạnh thực hiện. Mục tiêu cao nhất của việc này chính là chủ động tạo ra nguồn vốn để tái đầu tư cho các công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.
Cùng với cả nước, Đồng Nai đang chuẩn bị bước vào một giai đoạn phát triển mới. Do đó, nhu cầu vốn để đầu tư cho các công trình, dự án phục vụ cho mục tiêu phát triển là rất lớn. Trong bối cảnh nguồn ngân sách còn nhiều khó khăn, việc chủ động tạo vốn từ khai thác quỹ đất là giải pháp tối ưu hiện nay. Do đó, việc chọn hướng tạo vốn từ việc khai thác quỹ đất lợi thế khi triển khai các công trình, dự án là hướng đi phù hợp và hiệu quả.
Không những giúp cho địa phương chủ động tạo được nguồn vốn tái đầu tư, việc quy hoạch, khai thác quỹ đất tạo vốn, quỹ đất lợi thế cũng giúp cho Nhà nước cân bằng được lợi ích cho số đông người dân.
Ai cũng biết, khi có một dự án được triển khai, nhất là các dự án về giao thông, hạ tầng, giá trị đất xung quanh vùng dự án cũng ngay lập tức tăng cao. Bởi, khi có các công trình, dự án, tiềm năng để phát triển của khu vực đó cũng tăng lên. Tuy nhiên, có một thực tế lâu nay là phần “chênh lệch” tăng thêm của giá trị đất khi có các công trình, dự án thường “rơi” vào một số ít người có đất tại khu vực có dự án triển khai. Trong khi đó, Nhà nước thực hiện đầu tư các công trình, dự án từ nguồn vốn ngân sách, cũng chính là nguồn tiền thuế của người dân lại không thu được lợi ích từ khoản chênh lệch này để tái đầu tư cho các công trình, dự án khác phục vụ cho số đông người dân.
Chính vì vậy, việc quy hoạch, khai thác quỹ đất tạo vốn, quỹ đất lợi thế cũng sẽ giúp đạt được mục tiêu cân bằng lợi ích từ phần giá trị tăng thêm của quỹ đất đến số đông cộng đồng dân cư. Bên cạnh đó, việc quy hoạch, khai thác quỹ đất tạo vốn, quỹ đất lợi thế cũng giúp cho quá trình phát triển đô thị khi triển khai các công trình, dự án được thực hiện đúng định hướng, bài bản hơn.
Thực tế, khi giá trị đất tăng cao nhờ “sức hút” của các công trình, dự án, các nhà đầu tư cũng sẽ tìm kiếm cơ hội đầu tư nhiều hơn ở các khu vực lân cận, thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội. Tuy nhiên, do thiếu quy hoạch nên lâu nay sự phát triển này thường diễn ra khá lộn xộn dẫn đến bộ mặt đô thị bị biến dạng, manh mún và rối rắm.
Trong khi đó, khi quỹ đất này được quy hoạch chặt chẽ rồi thực hiện đấu giá thì sự phát triển sẽ bài bản hơn. Bởi, khi quy hoạch quỹ đất tạo vốn, quỹ đất lợi thế, Nhà nước cũng sẽ quy hoạch luôn định hướng phát triển, mục đích sử dụng quỹ đất. Nhà đầu tư sau khi trúng thầu sẽ thực hiện theo quy hoạch đó để tạo nên một bộ mặt đô thị khang trang, hiện đại và văn minh.
Vi Lâm