Bảo hiểm y tế (BHYT) là hình thức bảo hiểm chăm sóc sức khỏe nhân dân, do Nhà nước tổ chức thực hiện và toàn dân tham gia để bảo vệ sức khỏe cho mỗi người khi chẳng may bị ốm đau, tai nạn.
Bảo hiểm y tế (BHYT) là hình thức bảo hiểm chăm sóc sức khỏe nhân dân, do Nhà nước tổ chức thực hiện và toàn dân tham gia để bảo vệ sức khỏe cho mỗi người khi chẳng may bị ốm đau, tai nạn. BHYT mang lại sự công bằng về chăm sóc sức khỏe cho mọi người, đặc biệt là người nghèo, người cận nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng sâu, vùng xa. Tham gia BHYT là cách tốt nhất để mọi người giúp nhau chia sẻ rủi ro khi chẳng may bị bệnh tật.
Một bác sĩ công tác tại bệnh viện đa khoa tuyến tỉnh cho biết, những năm gần đây, việc mở rộng quyền lợi hưởng BHYT giúp cho người có thẻ BHYT được tiếp cận tối đa các dịch vụ kỹ thuật cao, nhiều loại thuốc tốt. Nhờ có thẻ BHYT, nhiều bệnh nhân nghèo có cơ hội được điều trị bệnh dứt điểm, trở về cuộc sống đời thường, có thể làm việc phụ giúp gia đình, giúp bản thân và giảm bớt phần nào gánh nặng cho xã hội.
Ngược lại, có nhiều người dân do chưa hiểu hết về những lợi ích của việc tham gia BHYT, hoặc còn chủ quan về sức khỏe của mình nên chưa tham gia BHYT. Đến khi không may bị tai nạn, ốm đau, nhập viện điều trị, số viện phí quá lớn khiến không ít gia đình lâm vào cảnh lao đao, chạy vạy khắp nơi để trả viện phí.
Thống kê của BHXH Việt Nam cho thấy, từ năm 2019 đến tháng 6-2020, quỹ BHYT đã chi trả cho 58 bệnh nhân số tiền hơn 1 tỷ đồng/đợt điều trị nội trú; 2 tỷ đồng/đợt điều trị cho 12 bệnh nhân trong cả nước.
Tại Đồng Nai, chỉ tính riêng năm 2019, có 7 bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả từ 1-2,1 tỷ đồng. Cá biệt có bệnh nhân được quỹ BHYT chi trả 100% số tiền khám, chữa bệnh từ năm 2016-2019 lên đến hơn 5,4 tỷ đồng. Đây là số tiền “khủng” mà nếu không tham gia BHYT, bệnh nhân nghèo, gia đình bệnh nhân không biết phải “bám víu” vào đâu hoặc lâm vào tình trạng kiệt quệ kinh tế gia đình.
Có thể nói, khi ốm đau, bệnh tật mới thấy rõ được giá trị của tấm thẻ BHYT. Vì thế, người dân nên chủ động trang bị cho mình tấm thẻ này để giảm thiểu những rủi ro có thể xảy đến cho bản thân, gia đình.
Dĩ nhiên, để hướng tới mục tiêu bao phủ BHYT đến 100% dân số trong cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng, việc quan trọng mà các cơ quan chức năng liên quan cần phải làm là không ngừng nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh BHYT từ tỉnh đến cơ sở; nâng cao hơn nữa tinh thần, thái độ phục vụ của đội ngũ y, bác sĩ khi khám, chữa bệnh cho người có thẻ BHYT; bổ sung nhiều loại thuốc tốt, các dịch vụ kỹ thuật cao vào danh mục các thuốc, kỹ thuật mà quỹ BHYT chi trả. Bên cạnh đó, cần tuyên truyền đậm nét, sâu rộng theo kiểu “mưa dầm thấm lâu” để người dân hiểu được lợi ích khi tham gia BHYT. Có như vậy, mục tiêu toàn dân tham gia BHYT mới sớm đạt được.
X.T