Báo Đồng Nai điện tử
En

Để di sản văn hóa không bị mai một

09:06, 04/06/2020

Khi còn sống, già làng Năm Nổi (ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) rất quan tâm đến công tác bảo tồn và giữ gìn văn hóa truyền thống của người Chơro. Già nhiều lần bày tỏ lo lắng khi thế hệ của già về với cõi Yang, lớp trẻ sẽ không còn mặn mà với văn hóa truyền thống dẫn đến những di sản quý của các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai dễ bị mai một.

 

Khi còn sống, già làng Năm Nổi (ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, H.Vĩnh Cửu) rất quan tâm đến công tác bảo tồn và giữ gìn văn hóa truyền thống của người Chơro. Già nhiều lần bày tỏ lo lắng khi thế hệ của già về với cõi Yang, lớp trẻ sẽ không còn mặn mà với văn hóa truyền thống dẫn đến những di sản quý của các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai dễ bị mai một.

Chính vì suy nghĩ đó, trong nhiều năm liền, già làng Năm Nổi đã gắn bó với những cán bộ làm công tác bảo tồn, bảo tàng, những nhà nghiên cứu văn hóa trong và ngoài tỉnh tham gia phục dựng nhiều tập tục trong đồng bào Chơro như: cúng lúa mới, đánh cồng chiêng... Bất cứ khi nào có yêu cầu, già đều có mặt, ngay cả khi tuổi đã cao, sức khỏe không còn tốt. Cho đến thời điểm này, già làng Năm Nổi vẫn luôn được xem là người “giữ hồn” của buôn làng Chơro.

Nhắc lại một chút về già làng Năm Nổi để thấy rằng, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số ở Đồng Nai luôn có sự tham gia, đóng góp tích cực của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Chính bà con là người truyền lửa, nhân lên những giá trị tốt đẹp, tạo sự lan tỏa sâu rộng trong đời sống xã hội. Vì thế, không riêng gì đồng bào Chơro, mà đồng bào Mạ, S’tiêng, Hoa, Tày… đều tìm riêng cho mình những “linh hồn” trong cộng đồng để học tập, noi theo. Cùng với sự hỗ trợ của các ngành chức năng thì đó là giải pháp hữu hiệu để những giá trị văn hóa truyền thống được giữ gìn, bảo tồn và phát huy.

Đồng Nai hiện có 37 thành phần dân tộc, chiếm 7% dân số của tỉnh. Bà con sống rải rác ở các địa phương, chủ yếu tập trung ở TP.Long Khánh và một số huyện như: Định Quán, Tân Phú, Xuân Lộc, Vĩnh Cửu. Những năm qua, cùng với việc đầu tư để nâng cao đời sống vật chất, nhất là công tác giảm nghèo, tạo việc làm và thu nhập ổn định cho bà con, việc chăm lo đời sống tinh thần cũng đặc biệt được quan tâm. Điều này thể hiện ở việc tỉnh dành nguồn kinh phí lớn để xây dựng nhà văn hóa các dân tộc để tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, sinh hoạt cộng đồng; tổ chức sưu tầm, phục dựng, trưng bày nhiều hiện vật mang đặc trưng của từng dân tộc; dạy nghề, tạo việc làm từ những ngành nghề truyền thống; tổ chức các chương trình quảng bá lễ hội gắn với phát triển du lịch địa phương…

Trong xu thế hội nhập mạnh mẽ như hiện nay, việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc không đơn giản, nhất là với thế hệ trẻ. Khó khăn là không tránh khỏi, nhưng việc làm thế nào để vừa giữ được nét truyền thống của các dân tộc mà vẫn thu hút, phát triển được những giá trị văn hóa ấy là nhiệm vụ cấp thiết đặt ra, đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc của nhiều ngành, nhiều đơn vị và cả với bà con dân tộc thiểu số. Chỉ khi có sự chung tay cùng các giải pháp kịp thời, công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc mới đạt được hiệu quả lâu dài.

Minh Ngọc

Tin xem nhiều