Sau hơn 2 năm thực hiện Quyết định 03/2018/QĐ-UBND quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thấy còn một số hạn chế làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều cá nhân, hộ gia đình khi có nhu cầu tách thửa.
Sau hơn 2 năm thực hiện Quyết định 03/2018/QĐ-UBND quy định về diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất trên địa bàn tỉnh Đồng Nai thấy còn một số hạn chế làm ảnh hưởng đến quyền lợi của nhiều cá nhân, hộ gia đình khi có nhu cầu tách thửa. Do đó, sau khi lấy ý kiến các sở, ngành, địa phương, ngày 8-6-2020, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định 22/2020/QĐ-UBND để thay thế Quyết định 03. Như vậy, từ ngày 1-7-2020, Quyết định 22 sẽ có hiệu lực và được triển khai trên toàn tỉnh.
Theo đánh giá của Sở Tài nguyên - môi trường (đơn vị tham mưu chính cho UBND tỉnh trong ban hành Quyết định 22), quy định mới về tách thửa thông thoáng hơn nhiều so với quy định cũ đang thực hiện.Cụ thể là diện tích tối thiểu để tách thửa với đất ở khu vực đô thị và nông thôn đã giảm xuống. Trong đó, đất ở đô thị chỉ cần 60m2 trở lên là có thể tiến hành tách thửa, còn đất ở khu vực nông thôn là 80m2. Như vậy, nhiều gia đình ở khu vực đô thị, nông thôn khi có nhu cầu tách thửa để cho, chuyển nhượng sẽ thuận lợi hơn. Đặc biệt là các gia đình khi muốn chia cho con cái, anh chị em cũng không còn phải bức xúc vì không tách thửa được do diện tích nhỏ không đáp ứng được quy định.
Nhiều người dân cho rằng, Quyết định 22 khá nhân văn đối với gia đình hộ nghèo, cận nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn, tặng cho quyền sử dụng đất cho con hoặc nhận quyền thừa kế.Vì nếu không đủ diện tích tách thửa theo quy định trên có thể đề xuất UBND cấp huyện xem xét và giải quyết tách thửa riêng cho từng trường hợp cụ thể. UBND các huyện, thành phố sẽ kiểm tra thực tế để xác minh những trường hợp trên và nếu thấy phù hợp với quy định của pháp luật sẽ cho tách thửa. Vì thế, quy định mới về tách thửa đất không còn cứng nhắc như trước đây và dự tính sẽ giảm được nhiều bức xúc của những hộ gia đình, cá nhân khi có nhu cầu tách thửa thực sự để phân chia cho người thân, hoặc phải chuyển nhượng một phần để có thêm khoản tiền trang trải cho cuộc sống...
Trước đây, Quyết định 03 được coi là siết chặt trong tách thửa để hạn chế xuống mức thấp nhất tình trạng phân lô, bán nền trái phép phá vỡ quy hoạch. Tuy nhiên, muốn khống chế được tình trạng phân lô, bán nền đất nông nghiệp, xây dựng trái phép thì các địa phương cần có trách nhiệm hơn trong việc quản lý đất đai và xây dựng. Vì ngoài cán bộ xã, phường, thị trấn thì tại các ấp, khu phố trong tỉnh đều có đội ngũ cán bộ ấp, khu phố, đoàn thể, công an khu vực nên việc một doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân muốn phân lô, bán nền, xây dựng trái phép không dễ qua mắt. Nếu đội ngũ cán bộ cấp xã, ấp có sự gắn kết và thực hiện đúng chỉ đạo của UBND tỉnh, UBND cấp huyện thì mọi hành vi sai trái, vi phạm về đất đai, xây dựng cũng như nhiều lĩnh vực khác sẽ được phát hiện, xử lý kịp thời.
Uyển Nhi