Một hình ảnh mới đây đang gây "sốt" trong cộng đồng mạng, đó là ở một lớp học nọ, một học sinh ngồi đáng thương, lạc lõng giữa các bạn của mình trong một "rừng" giấy khen được giơ lên cao. Bức ảnh được xem là hình ảnh gây nhiều tranh cãi nhất trong năm.
Một hình ảnh mới đây đang gây “sốt” trong cộng đồng mạng, đó là ở một lớp học nọ, một học sinh ngồi đáng thương, lạc lõng giữa các bạn của mình trong một “rừng” giấy khen được giơ lên cao. Bức ảnh được xem là hình ảnh gây nhiều tranh cãi nhất trong năm. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra về việc có nên khen thưởng hay vinh danh kiểu này, về phương pháp giáo dục, về am hiểu tâm lý học sinh, tâm lý sư phạm trong giáo dục…
Đây không phải lần đầu tiên những câu chuyện buồn trong giáo dục xuất hiện mà nguyên nhân từ sự thiếu tinh tế của người thầy. Đã từng có chuyện ông già Noel vào lớp nhưng chỉ tặng quà cho một số cháu nhỏ mà gia đình bỏ tiền ra mua quà. Một cháu bé không được nhận quà đã về nhà mách mẹ, người mẹ nói với con mình rằng chắc ông già Noel bận nên chỉ chọn các bạn tiêu biểu để trao quà. Cháu bé đã thưa lại với mẹ mình rằng bạn được tặng quà rất hư, không chịu ăn, ra chơi thường đánh bạn. Chính các cô giáo trong câu chuyện này đã gieo vào suy nghĩ non nớt của các cháu nhỏ về sự không công bằng: Rằng cứ trẻ nào hư, không chịu ăn, thường đánh bạn thì lại được ông già Noel tặng quà.
Trong đổi mới giáo dục hiện nay, cũng đã có những ý kiến cho rằng cần bỏ đồng phục học sinh THPT bởi các em đã lớn, nên để các em tự do. Đó cũng là những ý kiến chưa hiểu hết tâm lý học sinh, tâm lý lứa tuổi.
Trường học là nơi luôn cần sự công bằng. Ở trường học, mỗi học sinh có xuất thân, hoàn cảnh gia đình khác nhau. Có những em thuộc những gia đình rất giàu có, nhưng cũng có những em hoàn cảnh gia đình rất khó khăn. Nếu bỏ đồng phục, chẳng hạn một học sinh nào đó con nhà giàu đến lớp với những bộ đồ, trang sức thật đắt tiền, thử hỏi những học sinh con nhà nghèo nhìn vào đó có cảm thấy chạnh lòng. Mặc đồng phục là để cho dù ngoài đời các em có thể có hoàn cảnh khác nhau, nhưng bước chân vào cổng trường thì tất cả đều như nhau, ít nhất là từ bộ đồng phục. Chúng ta hẳn cũng đã không ít lần bàng hoàng, đau xót về những cái kết đau buồn mà nguyên nhân bắt đầu từ hành xử không đúng và phi giáo dục của thầy cô giáo, của phụ huynh học sinh.
Nếu ai đã đọc tác phẩm Những tấm lòng cao cả (có bản dịch với tựa là: Tâm hồn cao thượng) của nhà văn người Italy thế kỷ thứ XIX Amicis sẽ bắt gặp trong đó nhiều câu chuyện giáo dục nhẹ nhàng, đầy tính nhân văn. Trong số những câu chuyện dạy về đạo đức, về tình thương, lòng trắc ẩn thì đa phần các câu chuyện trong cuốn sách là câu chuyện về giáo dục và nổi bật hơn hết là các câu chuyện về tình yêu thương học trò của thầy cô giáo. Không những vậy, cuốn sách còn chứa đựng rất nhiều câu chuyện mà tin rằng nếu giáo viên nào đó đã đọc qua chắc chắn sẽ không có những cách hành xử như trên.
Trong câu chuyện giáo dục buồn này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ
GD-ĐT đã lên tiếng khẳng định rằng: Nếu bức ảnh có thật thì giáo viên đang làm sai hướng dẫn, sai quan điểm của Bộ GD-ĐT trong đánh giá học sinh. Rõ ràng, trong bối cảnh hiện nay, rất nhiều giáo viên, nhất là giáo viên tiểu học, có cuộc sống rất chật vật nhưng lại chịu nhiều áp lực. Bởi vậy, nhiều người sẽ khó mà toàn tâm, toàn ý cho công việc chính yếu của mình chứ đừng nói thời gian trau dồi và đọc sách. Thế nhưng, đây là môi trường giáo dục, vậy nên mỗi người khi đã chấp nhận đứng trong môi trường này, đã chấp nhận chọn đó là một nghề nghiệp của bản thân thì hãy luôn nhớ rằng tất cả những việc làm của thầy cô sẽ tác động không nhỏ đến suy nghĩ của con trẻ. Chỉ một chút sơ suất, thiếu tinh tế của thầy cô đã vô hình trung làm tổn thương tâm hồn non nớt của trẻ.
Vũ Trung Kiên