Theo Sở LĐ-TBXH, năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 32 vụ tai nạn lao động làm 56 người bị nạn, trong đó có 41 người chết, 15 người bị thương ...
Theo Sở LĐ-TBXH, năm 2020, trên địa bàn tỉnh xảy ra 32 vụ tai nạn lao động làm 56 người bị nạn, trong đó có 41 người chết, 15 người bị thương (so với năm 2019 tăng 8 vụ, tăng 17 người chết, tăng 14 người bị thương). Từ đầu năm 2021 đến nay, toàn tỉnh đã có 13 trường hợp tử vong vì tai nạn lao động. Những con số này một lần nữa cho thấy việc thực hiện các quy định về công tác an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ) trong các đơn vị, doanh nghiệp vẫn chưa thực sự nghiêm túc, nguy cơ mất an toàn vẫn luôn hiện hữu.
Là địa bàn tập trung đông công nhân lao động nên thời gian qua Đồng Nai rất chú trọng công tác tuyên truyền về các quy định, giải pháp nhằm đảm bảo ATVSLĐ tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp. Các đơn vị chức năng của tỉnh cũng thường xuyên tổ chức các đoàn đi kiểm tra, giám sát công tác ATVSLĐ nên đã kịp thời động viên những đơn vị, doanh nghiệp làm tốt, đồng thời nhắc nhở kịp thời những đơn vị, doanh nghiệp còn lơ là, chủ quan trong công tác này. Đặc biệt, đội ngũ an toàn vệ sinh viên trong các doanh nghiệp, đơn vị ngày càng được củng cố, phát huy vai trò, trách nhiệm của mình trong công việc, góp phần đưa công tác ATVSLĐ đi vào quy củ.
Thực tế cho thấy, không ít doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã dành sự quan tâm, đầu tư khá tốt cho công tác ATVSLĐ. Ngoài trang bị đầy đủ thiết bị bảo hộ cho người lao động, doanh nghiệp còn rất chú ý đến môi trường làm việc an toàn, thân thiện. Doanh nghiệp cũng không quên các hoạt động chăm lo, cải thiện bữa ăn giữa ca, chế độ bồi dưỡng cho người lao động, đồng thời thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức phòng ngừa tai nạn cho người lao động. Nhờ đó, ở những doanh nghiệp này, công tác ATVSLĐ luôn được thực hiện nghiêm ngặt, đem lại hiệu quả cao.
Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp, đơn vị thực hiện tốt công tác ATVSLĐ, vẫn còn không ít những doanh nghiệp, đơn vị khá thờ ơ, chưa xem trọng công tác này trong quá trình sản xuất, nhất là trên lĩnh vực xây dựng, sản xuất, kinh doanh hóa chất. Qua thực tế kiểm tra của cơ quan chức năng cho thấy, còn có những đơn vị, doanh nghiệp sử dụng lao động không trang bị đồ bảo hộ lao động cũng như tổ chức huấn luyện an toàn cho người lao động. Ở nhiều công trình xây dựng không ghi biển báo nguy hiểm để người lao động biết, có ý thức phòng ngừa. Bản thân người lao động cũng còn chủ quan, chưa thực sự chú trọng đến việc đảm bảo an toàn cho mình trong quá trình làm việc. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều vụ tai nạn lao động đau lòng thời gian qua.
Đảm bảo ATVSLĐ là nhiệm vụ rất quan trọng trong quá trình hoạt động của bất cứ đơn vị, doanh nghiệp nào. Do đó, công tác này phải được thường xuyên quan tâm, chú trọng hơn nữa để thực hiện nghiêm, đúng quy định của pháp luật và những điều kiện về ATVSLĐ. Cần có chế tài xử lý mạnh mẽ hơn nữa những đơn vị, doanh nghiệp và đặc biệt là cá nhân sử dụng lao động để xảy ra mất an toàn lao động dẫn đến tai nạn lao động. Đặc biệt, người lao động nên chú trọng trang bị những kiến thức cơ bản về ATVSLĐ để tự bảo vệ mình, an tâm làm việc…
M.N