Báo Đồng Nai điện tử
En

Cần "liều trợ lực" cấp kỳ

08:08, 03/08/2021

Từ trung tuần tháng 7, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã họp với các tổ chức tín dụng là hội viên để trao đổi, thống nhất phương thức và thời gian thực hiện việc giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu trong 5 tháng cuối năm 2021.

Từ trung tuần tháng 7, Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đã họp với các tổ chức tín dụng là hội viên để trao đổi, thống nhất phương thức và thời gian thực hiện việc giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu trong 5 tháng cuối năm 2021. Đợt giảm lãi suất lần này được xác nhận bởi lãnh đạo của 16 tổ chức tín dụng hội viên như: Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV, MB, Techcombank, SHB, VIB, TPBank, SeABank, Sacombank, ACB, HDBank…

Khó mà liệt kê hết những khó khăn của các DN hiện nay. Dịch bệnh tấn công vào công xưởng, hàng loạt DN buộc phải tạm ngừng sản xuất, đơn hàng đình đốn. Giá cả các loại nguyên liệu đầu vào thì đã leo thang từ vài tháng qua. Ngay cả với những DN đang duy trì sản xuất, kinh doanh thì hàng loạt chi phí cũng phát sinh khiến đồng lời “bé” lại như: chi phí phòng, chống dịch Covid-19; chi phí vận chuyển; chi phí bù giá nguyên liệu do nguồn cung đứt gãy… Và nhiều DN cho biết, họ ám ảnh nhất là khi dịch bệnh phát sinh ngay trong lòng nhà máy. Khi đó mọi thứ đình đốn, chỉ có chi phí là tăng. Chỉ cần tính toán sơ bộ, với mức hỗ trợ lương công nhân tối thiểu 170 ngàn đồng/ngày vào những ngày phải ngừng việc do dịch bệnh thì một DN có quy mô 20 ngàn công nhân sẽ phải chi trên 80 tỷ đồng/tháng riêng cho phần hỗ trợ này, chưa kể hàng chục loại chi phí khác, trong khi lợi nhuận không có.

Thống kê sơ bộ của Hội Doanh nhân trẻ Đồng Nai cho thấy, 70% hội viên của Hội chịu nhiều ảnh hưởng bởi dịch bệnh, nhất là các DN hoạt động trong các lĩnh vực: sản xuất, thương mại, dịch vụ, logistics, du lịch… Nhiều DN đang gặp khó khăn mong muốn cơ cấu lại thời hạn trả nợ, hỗ trợ kịp thời, sát sườn về lãi suất; cân đối, giãn thời hạn đáo hạn nợ phù hợp cũng như có thêm các chương trình hỗ trợ tín dụng đối với các khoản vay để DN trả lương cho người lao động, đặc biệt là đối với các DN đang tạm ngừng sản xuất, vận hành, có doanh thu bị sụt giảm vì dịch bệnh.

“Mạch máu” của nền kinh tế là hoạt động DN, “mạch máu” của DN là dòng tiền. Sẽ là khó chồng thêm khó khi doanh thu bị “chặn đứng” vì những lý do bất khả kháng, nhưng nợ ngân hàng, nợ đối tác, các khoản thuế, phí… vẫn phải trả đều mà không có bất kỳ sự hỗ trợ nào cho DN. Vậy nên, sự hỗ trợ về vốn, lãi suất, giảm thuế, giãn nợ… một cách kịp thời luôn là điều DN cần nhất. Đặc biệt, trong bối cảnh này, “nước xa” không cứu được “lửa gần”, do đó các chính sách trực tiếp, sát sườn đều được DN đón nhận và có hiệu quả ngay.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều