Báo Đồng Nai điện tử
En

Doanh nghiệp cần được sẻ chia, hỗ trợ

09:08, 31/08/2021

Giữa trăm ngàn mối lo hiện tại của giới doanh nghiệp (DN) thì chuyện nợ nần, vốn liếng là một trong những mối lo lớn nhất.

Giữa trăm ngàn mối lo hiện tại của giới doanh nghiệp (DN) thì chuyện nợ nần, vốn liếng là một trong những mối lo lớn nhất. Tại Việt Nam nói chung và các địa bàn kinh tế trọng điểm nói riêng, hầu hết DN đều vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh. Khi dịch bệnh lan rộng, đơn hàng đứt gãy, nhân công nghỉ việc, chi phí gia tăng, lợi nhuận gần như không có… thì các gói hỗ trợ giảm lãi suất ngân hàng, khoanh nợ, giãn nợ là những điều mà DN rất cần.

Thực tế, nhóm các ngân hàng lớn cũng đã “ngồi lại với nhau” để bàn bạc và đưa ra các gói giảm lãi suất cho một số đối tượng DN. Tuy nhiên, có đi sâu vào thực tế hoạt động của DN hiện nay mới thấy, mức giảm 1%/năm gần như không hỗ trợ được gì nhiều. Chưa kể, không phải DN nào cũng nằm trong đối tượng được hỗ trợ, bên cạnh đó nhiều ngân hàng còn áp các điều khoản khác như: đáo hạn món vay cũ ngay mới áp dụng hạ lãi suất, nếu đã sử dụng gói lãi suất ưu đãi rồi thì không được giảm nữa, phải có các bằng chứng chứng minh DN bị ảnh hưởng do dịch bệnh… và nhiều cách xử lý hồ sơ rắc rối khác khiến nhiều DN nản lòng.

Vậy nên trước những khó khăn lớn mà DN đang phải đối mặt, các DN vừa và nhỏ tại TP.HCM đang kêu gọi cùng nhau kiến nghị Chính phủ hỗ trợ, đề xuất các giải pháp để cứu DN. Trong các nhóm giải pháp được đề xuất, đối với nhóm kiến nghị liên quan đến chính sách tài chính - ngân hàng, các DN kiến nghị được hỗ trợ gói ưu đãi lãi suất tối thiểu 4%, tương đương gói hỗ trợ năm 2008-2009, từ ngày 1-8-2021 đến 12 tháng sau công bố hết dịch (hiện các ngân hàng đang áp mức lãi suất 8-11%/năm tùy gói vay).

Ngoài ra, các DN cũng kiến nghị cho phép thực hiện chính sách khoanh nợ, giãn nợ (cả gốc và lãi) đối với các DN phải tạm ngừng hoạt động và gặp khó khăn không có khả năng thanh toán do đại dịch kéo dài. Khoanh nợ gốc và giảm lãi suất từ 2-3% kể từ ngày 1-8-2021 đến 6 tháng sau khi Chính phủ công bố hết dịch đối với các DN còn lại (nguồn: Báo Tuổi Trẻ).

Cùng với thời gian giãn cách xã hội kéo dài, hoạt động của DN nói chung cũng đang rơi vào khủng hoảng. Tổng cục Thống kê vừa công bố, số lượng DN rời khỏi thị trường đã vượt số thành lập mới. Theo đó, tính chung 8 tháng, cả nước có 81.600 DN đăng ký thành lập mới nhưng có 85.500 DN ngừng hoạt động. Trung bình mỗi tháng có gần 10.700 DN rút khỏi thị trường.

"Sự bùng phát mạnh của làn sóng dịch Covid-19 lần thứ 4 cùng với các đợt giãn cách xã hội liên tiếp đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN bị ảnh hưởng nặng nề, đặc biệt là các địa phương phía Nam" - Tổng cục Thống kê đánh giá (nguồn: Tổng cục Thống kê).

Vậy mới thấy, giữa bộn bề thách thức, để một DN có thể tồn tại việc hỗ trợ tín dụng cần nhanh, hiệu quả, thiết thực với những thủ tục đơn giản hơn, chia sẻ hơn, vì nói cho cùng DN tồn tại được thì ngân hàng mới có lợi nhuận. Nếu không, tất cả đều có thể hóa thành nợ xấu, điều mà không tổ chức tín dụng nào mong muốn. Do đó, DN đang rất cần sự sẻ chia để cùng tồn tại, cùng vượt qua những khó khăn để có cơ hội phát triển sau dịch bệnh.

Vi Lâm

Tin xem nhiều