Có lẽ chưa bao giờ mà mọi doanh nghiệp lớn, nhỏ tại Việt Nam lại ở trong bối cảnh nhiều gian nan, thử thách như hiện tại. Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng (lần thứ 4 và cũng là lần bùng phát mạnh nhất trong 2 năm nay) đã đặt lên vai doanh nghiệp quá nhiều gánh nặng. Có chủ doanh nghiệp ví von: "Con virus là vô hình, nhưng những khó khăn thách thức với giới doanh nghiệp lại rất "hữu hình".
Có lẽ chưa bao giờ mà mọi doanh nghiệp lớn, nhỏ tại Việt Nam lại ở trong bối cảnh nhiều gian nan, thử thách như hiện tại. Sự bùng phát của đại dịch Covid-19 trên phạm vi toàn cầu nói chung và tại Việt Nam nói riêng (lần thứ 4 và cũng là lần bùng phát mạnh nhất trong 2 năm nay) đã đặt lên vai doanh nghiệp quá nhiều gánh nặng. Có chủ doanh nghiệp ví von: “Con virus là vô hình, nhưng những khó khăn thách thức với giới doanh nghiệp lại rất “hữu hình”.
Những thách thức đó đang hiện diện trong từng doanh nghiệp nói riêng và cả cộng đồng doanh nghiệp nói chung. Chuỗi cung ứng có lúc gián đoạn, các ổ dịch lây lan buộc phải giảm hoặc tạm dừng sản xuất, nhiều loại chi phí phát sinh, hàng hóa luân chuyển chậm chạp và ế ẩm, giá nguyên liệu đầu vào tăng vọt… và doanh nghiệp nào hiện còn sản xuất, kinh doanh thì phải nói là vô cùng nỗ lực.
Điểm qua tình hình chung, Tổng cục Thống kê cũng vừa công bố một con số buồn: kết thúc 7 tháng của năm 2021, cả nước có gần 79.700 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể và hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 25,5% so với cùng kỳ năm 2020. Cụ thể bao gồm: gần 40.300 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn, tăng 23% so với cùng kỳ năm trước; 28.000 doanh nghiệp ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 28,6%; 11.400 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 27,4%. Như vậy, trung bình mỗi tháng có gần 11.400 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường (nguồn: Tổng cục Thống kê).
Đồng Nai, Bình Dương, TP.HCM vốn là 3 địa phương “vùng lõi” trong phát triển kinh tế cả nước, là “cái nôi” của mọi loại hình doanh nghiệp, lại là 3 địa phương đang phải chống chọi dữ dội nhất với làn sóng thứ tư của đại dịch Covid-19. Nhiều doanh nghiệp đang gồng mình để tồn tại, các biện pháp để bảo vệ chuỗi sản xuất như “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 điểm đến” đang được thực hiện, song cũng không dễ dàng gì khi dịch lan nhanh. Nhiều doanh nghiệp không đáp ứng nổi yêu cầu đã phải chủ động ngừng sản xuất.
Mặc dù khó khăn bủa vây hoạt động doanh nghiệp, Chính phủ vẫn xác định phải cố gắng giữ cho các chuỗi sản xuất tổn hại ít nhất có thể bởi hoạt động doanh nghiệp chính là “mạch máu” của nền kinh tế. Nhiều quốc gia khác cũng đã có những phương án “sống chung với dịch”, lên các kế hoạch duy trì và phục hồi sản xuất.
Sáng 8-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc của Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp, các hiệp hội doanh nghiệp và bộ, ngành, địa phương để lắng nghe, chia sẻ, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch. Chính phủ đánh giá cao nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua, vừa chống dịch, vừa cố gắng bảo vệ chuỗi sản xuất và thực hiện các mục tiêu phát triển đã đề ra. Hiện tại, bối cảnh vẫn đang hết sức khó khăn và Chính phủ sẽ luôn đồng hành cùng doanh nghiệp và sẽ gặp gỡ riêng từng nhóm, ngành hàng, lắng nghe và chỉ đạo các giải pháp sát sườn, hiệu quả để cùng doanh nghiệp vượt qua giai đoạn khó khăn này. “Đây là thời điểm “lửa thử vàng - gian nan thử sức”, “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo” để vượt qua khó khăn, dự báo, nắm bắt cơ hội để phát triển doanh nghiệp và góp phần phát triển đất nước với tầm nhìn xa, trông rộng, gắn với dự báo tình hình trong thời gian tới” - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh (nguồn: chinhphu.vn).
Vi Lâm