Điều dễ nhận thấy nhất giữa thời dịch bệnh là những nhu cầu tiêu dùng, sử dụng hàng hóa, dịch vụ khác (du lịch, vui chơi, giải trí...) đang tạm lắng xuống, nhường chỗ cho những nhu cầu tiêu dùng thiết yếu, cơ bản của cuộc sống. Và "cơ bản nhất trong những thứ cơ bản" chính là lương thực, thực phẩm.
Điều dễ nhận thấy nhất giữa thời dịch bệnh là những nhu cầu tiêu dùng, sử dụng hàng hóa, dịch vụ khác (du lịch, vui chơi, giải trí...) đang tạm lắng xuống, nhường chỗ cho những nhu cầu tiêu dùng thiết yếu, cơ bản của cuộc sống. Và “cơ bản nhất trong những thứ cơ bản” chính là lương thực, thực phẩm.
Chỉ cần quan sát “giỏ hàng dự trữ” của mỗi hộ gia đình trong khoảng 3-4 tháng nay là có thể thấy trong “giỏ hàng” đó, khoảng 50-70% là các mặt hàng lương thực, thực phẩm. Ở thời điểm hiện tại, quan tâm lớn nhất của Chính phủ nói chung và chính quyền các địa phương, đặc biệt là những địa phương “nóng” về dịch bệnh nói riêng, vẫn là làm sao cung ứng đủ gạo, thịt, mắm, muối, rau củ cho từng hộ gia đình để họ an tâm “ngồi nhà” chống dịch.
Điều cần khẳng định là cho đến nay, Việt Nam vẫn là một trong 3 quốc gia xuất khẩu gạo nhiều nhất thế giới, đồng thời cũng là nước có nền nông nghiệp mạnh với các loại nông sản đa dạng, phong phú và khả năng tự cung tự cấp cao. Do đó, trong cuộc chiến chống đại dịch toàn cầu Covid-19, đây cũng là một yếu tố khiến Việt Nam tự tin hơn để chống chọi cùng dịch bệnh.
Nguồn cung các loại lương thực, thực phẩm là không thiếu, tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất để duy trì chuỗi cung ứng lương thực - thực phẩm chính là cần làm sao để “dòng chảy” từ đầu vào đến đầu ra của quá trình sản xuất - lưu thông - phân phối được suôn sẻ nhất.
Song 2 điểm tắc nghẽn lớn nhất của “dòng chảy” sản xuất và tiêu thụ nông sản hiện nay chính là cả đầu vào lẫn đầu ra đều đang gặp khó khăn. Ở khâu đầu vào, lưu thông hàng hóa (phân bón, giống, thuốc trừ sâu, nguyên liệu sản xuất thức ăn chăn nuôi, phụ gia và vật tư nông nghiệp…) đang ách tắc do nhiều địa phương, cảng biển, cảng sông… phải rà soát kỹ để phòng dịch bệnh. Sự tắc nghẽn tạm thời đó cũng làm gia tăng thời gian, chi phí, góp phần khiến giá cả nhiều mặt hàng nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, làm nông dân nản lòng không muốn tiếp tục tái đầu tư.
Trong khi đó, ở chiều “ra”, nhiều loại nông sản đang ùn ứ hoặc mất mối tiêu thụ do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Nếu trước đây, chỉ mất 1-2 ngày là các mặt hàng heo, gà, thanh long, xoài… có thể di chuyển ra thị trường miền Bắc và xuất khẩu sang Trung Quốc, thì nay gần như rất khó khăn để “đi” một lô hàng suôn sẻ. Ngay cả phía Trung Quốc cũng đang liên tục đóng - mở một số điểm mua hàng tại biên giới phía Bắc do phải rà soát kỹ càng để không làm lây lan dịch bệnh.
Còn ở góc độ thị trường nội địa, mặc dù nhu cầu vẫn lớn, thậm chí lớn hơn bình thường, song để một bó rau, con cá, cân thịt đến được tay người tiêu dùng khó khăn hơn do hệ thống phân phối truyền thống (thương lái, chợ đầu mối, chợ lẻ, hệ thống siêu thị…) đang đứt gãy hoặc thu hẹp, hàng hóa phải qua rất nhiều khâu phòng dịch và trở thành một thách thức lớn trong tiêu thụ nông sản.
Vậy nên điều cần làm ngay nhằm khơi thông “đường đi” cho nông sản, khuyến khích nông dân tái đầu tư, đảm bảo sự thông suốt trong cung ứng lương thực, thực phẩm, chính là nhanh chóng tạo mọi thuận lợi trong xuất nhập nhẩu, vận chuyển vật tư nông nghiệp, hàng hóa phục vụ sản xuất nông nghiệp và bên cạnh đó, khơi thông mạng lưới phân phối nông sản để đảm bảo không xảy ra tình trạng “thừa cung” nhưng vẫn “thiếu hàng cục bộ”.
Vi Lâm