Trong những ngày gần đây, số ca mắc mới Covid-19 vẫn tăng, trong đó có các trường hợp là nhân viên y tế, lực lượng phục vụ tại các khu cách ly y tế tập trung, bệnh viện dã chiến,...
Trong những ngày gần đây, số ca mắc mới Covid-19 hằng ngày vẫn tăng, trong đó có các trường hợp là nhân viên y tế, lực lượng phục vụ tại các khu cách ly y tế tập trung, bệnh viện dã chiến, cơ sở khám chữa bệnh… trên địa bàn tỉnh.
Thực tế trong thời gian qua, trên địa bàn tỉnh đã có không ít trường hợp thuộc lực lượng tuyến đầu chống dịch như: công an, nhân viên y tế, cán bộ cơ sở, tình nguyện viên… bị nhiễm virus SARS-CoV-2 trong quá trình làm nhiệm vụ. Thậm chí, có trường hợp đã hy sinh khi tham gia công tác chống dịch tại cơ sở. Qua đó cho thấy sự nguy hiểm của đại dịch Covid-19 đối với tính mạng, sức khỏe của mọi người, mọi nhà, đặc biệt với lực lượng tuyến đầu chống dịch.
Do đó, cùng với việc quan tâm đến chế độ chính sách cho lực lượng tuyến đầu chống dịch thì công tác phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ an toàn cho lực lượng này cũng cần được chú trọng hơn nữa, nhất là trong tình hình dịch bệnh Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp. Bởi đây là lực lượng chủ công trong điều trị, cứu sống các ca bệnh Covid-19, bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân trong đại dịch; trực tiếp truy vết, tầm soát, ngăn chặn dịch bệnh lây lan trong cộng đồng; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp; hỗ trợ công tác an sinh xã hội…
Tại Đồng Nai, trong thời gian qua, công tác phòng, chống dịch bệnh trong lực lượng tuyến đầu chống dịch luôn được quan tâm, nhất là ở các bệnh viện dã chiến, khu cách ly y tế tập trung, khu phong tỏa, chốt kiểm soát phòng dịch… Phần lớn lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch đều được tiêm vaccine ngừa Covid-19; trang bị phương tiện, đồ bảo hộ y tế... Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân cũng thường xuyên hỗ trợ, cung cấp lương thực, nhu yếu phẩm cho lực lượng tuyến đầu chống dịch, giúp họ yên tâm thực hiện nhiệm vụ.
Tuy nhiên, do đặc thù công việc của lực lượng tuyến đầu chống dịch là trực tiếp điều trị, chăm sóc người bệnh nhiễm Covid-19; tiếp xúc với nhiều người, trong đó có cả những trường hợp F0 trong cộng đồng nên luôn đối diện với nguy cơ nhiễm bệnh rất cao. Mặt khác, tại tuyến cơ sở, phương tiện bảo hộ cho lực lượng làm nhiệm vụ tại tuyến đầu còn sơ sài; không ít người cũng còn chủ quan trong phòng ngừa dịch bệnh khi thực hiện công tác tiêm chủng, xét nghiệm, trực chốt phòng dịch ở khu phong tỏa, trực chốt “vùng xanh”...
Để bảo vệ an toàn phòng dịch cho lực lượng tuyến đầu, bên cạnh việc tiêm chủng vaccine đủ 2 liều, xét nghiệm virus SARS-CoV-2 định kỳ thì cần tăng cường phương tiện, đồ bảo hộ y tế cho lực lượng này, nhất là cho tuyến cơ sở. Bên cạnh đó, tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc lây nhiễm chéo tại các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến và tất cả các cơ sở y tế trên địa bàn. Ngoài ra, các cơ quan chức năng cần bố trí cơ sở vật chất tốt nhất để đội ngũ nhân viên y tế tại các bệnh viện dã chiến, cơ sở cách ly y tế tập trung có điều kiện nghỉ ngơi, bảo đảm sức khỏe trong thời gian điều trị, chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19.
Điều quan trọng nhất vẫn là lực lượng tham gia tuyến đầu chống dịch phải luôn chủ động trong việc phòng, chống lây nhiễm dịch bệnh cho bản thân và cộng đồng. Một khi lực lượng tuyến đầu được đảm bảo an toàn phòng dịch sẽ tạo ra những “lá chắn” vững chắc, góp phần quan trọng trong việc ngăn chặn, đẩy lùi, chiến thắng đại dịch Covid-19; đem lại sự bình yên, mạnh khỏe cho mỗi người dân, gia đình và toàn xã hội.
Đặng Ngọc