Theo dự kiến, từ ngày 20-9 tới, Đồng Nai sẽ triển khai thực hiện các hoạt động kinh tế - xã hội đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong tình hình mới...
Cùng với TP.HCM, Bình Dương, Long An - những địa phương có nền kinh tế phát triển sôi động bậc nhất phía Nam - Đồng Nai cũng đứng trước áp lực lớn trong việc vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi kinh tế. Chiều 15-9, kế hoạch được ban hành sau nhiều lần lấy ý kiến đóng góp từ các sở, ngành, địa phương.
Mặc dù “sốt ruột” trước những khó khăn của doanh nghiệp (DN) và áp lực sinh kế của người dân, song phải khẳng định, “mở cửa” và phục hồi kinh tế cần dựa trên sự thận trọng, chặt chẽ, an toàn cho sức khỏe và tính mạng của người dân. Trong đó, nhìn vào thực tế triển khai “lá chắn vaccine” tại Đồng Nai, có thể thấy sự thận trọng này là cần thiết. Cụ thể, Đồng Nai có khoảng 3,5 triệu dân, trong đó 2,2 triệu dân trên 18 tuổi sẽ nhanh chóng được phủ vaccine mũi 1 để có thể mở cửa trở lại cho sản xuất, kinh doanh. Còn lại hơn 1 triệu người (khoảng 1/3 dân số) chưa được tiếp cận với vaccine. Do vậy, cần tính kỹ phương án mở cửa nhưng phải đảm bảo an toàn cho 1/3 dân số còn lại.
Trên thực tế, ngay cả TP.HCM với tỷ lệ tiêm chủng cao, áp lực “mở cửa” lớn cũng đã phải thận trọng lùi thời gian thực hiện “bình thường mới” thêm 2 tuần để toàn bộ người dân đã tiêm vaccine mũi 1 tạo được kháng thể phòng virus. Việc cần thêm thời gian để phủ rộng “lá chắn vaccine”, “xanh hóa” dần các “vùng đỏ”, cam, vàng là nhằm chuẩn bị để bước vào “bình thường mới” một cách an toàn, bền vững.
Đặc biệt, khái niệm “xanh” - tức an toàn về dịch bệnh - được lãnh đạo tỉnh nhấn mạnh trong quan điểm phòng, chống dịch trong DN. Theo đó, chủ trương chung là thúc đẩy các khu công nghiệp xanh, DN xanh trở lại hoạt động. Các DN xanh được kết nối với địa phương xanh, đưa người lao động vào các khu công nghiệp xanh để phục hồi sản xuất. DN ở “vùng xanh” kết nối với công nhân “vùng xanh” thì hoạt động bình thường.
Một điểm mới khác là tỉnh cũng giao quyền tự chủ cho DN trong việc đảm bảo an toàn sản xuất, chỉ hỗ trợ DN chứ không làm thay cho DN. DN phải hoàn toàn chủ động ứng phó với dịch bệnh để duy trì sản xuất. Nhà nước hỗ trợ DN tiêm vaccine, xét nghiệm phát hiện F0 nếu có (kế hoạch xét nghiệm do DN chủ động xây dựng); hỗ trợ cách ly F1, điều trị F0 cho DN; hỗ trợ đào tạo về dịch tễ, tổ chức không gian, khung pháp lý để ứng phó với dịch bệnh. DN nào an toàn thì được tiếp tục sản xuất, DN không đảm bảo thì phải dừng sản xuất ngay để khắc phục. Chuyển trạng thái từ “DN bị động sang DN chủ động”, tích cực xử lý các vấn đề dịch bệnh trong DN. Đây cũng là một cơ chế linh hoạt để chia sẻ trách nhiệm, cộng đồng trách nhiệm trong thời gian sắp tới, khi tất cả cùng phải ra sức cho một “cuộc chiến kép”: vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phục hồi kinh tế, đảm bảo sản xuất, kinh doanh an toàn và nhất là đảm bảo sinh kế của người dân.