TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An là 4 địa phương đang có sự cân nhắc, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế sau một thời gian khá dài áp dụng các biện pháp giãn cách...
TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An là 4 địa phương đang có sự cân nhắc, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế sau một thời gian khá dài áp dụng các biện pháp giãn cách nghiêm ngặt vì tình hình dịch bệnh. Các địa phương kể trên đang đứng trước bài toán vừa phòng dịch, vừa xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế trong một thời gian ngắn và đây không phải là chuyện dễ dàng khi độ phủ của vaccine vẫn chưa hoàn toàn rộng khắp như mong muốn.
Là một trong các địa phương có sản xuất công nghiệp phát triển mạnh, số lượng doanh nghiệp nhiều, tỉ trọng đóng góp ngân sách cao, số lượng nhà đầu tư nước ngoài lớn… Đồng Nai cũng đang chịu áp lực phục hồi kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp tái sản xuất kinh doanh để đảm bảo thực hiện “mục tiêu kép”. Vì vậy, tuần qua, UBND tỉnh đã có văn bản gửi các sở, ngành, huyện, TP.Biên Hòa, TP.Long Khánh tham mưu các nội dung để UBND tỉnh xây dựng kế hoạch phục hồi kinh tế trên địa bàn Đồng Nai.
Khó khăn của doanh nghiệp ở thời điểm hiện nay có thể nói là đã rất nhiều và nhiều doanh nghiệp đã rơi vào khủng hoảng. Kết quả cuộc khảo sát nhanh về tình hình việc làm, thu nhập của người lao động và tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát từ tháng 5-2021 do Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ) phối hợp với Báo điện tử VnExpress tiến hành với sự tham gia khảo sát của trên 21,5 ngàn doanh nghiệp của 5 tỉnh/thành phố gồm: TP.HCM, Hà Nội, Bình Dương, Đồng Nai, Đà Nẵng cũng cho thấy điều đó.
Trong số 14.890 doanh nghiệp trả lời “tạm thời ngừng hoạt động trong bối cảnh dịch”, lý do chính khiến nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa tạm thời nhiều nhất là do đứt gãy chuỗi cung ứng ngay trong nước. Do việc thực hiện phong tỏa, giãn cách tại nhiều tỉnh/thành phố và nhiều nơi chỉ cho phép “hàng thiết yếu” được lưu thông qua địa bàn với các điều kiện đối với lái xe, hàng hóa được lưu thông khác nhau tạo ra rất nhiều bất cập trên thực tế vì khái niệm “hàng thiết yếu” được các cấp thực thi ở mỗi địa phương hiểu một kiểu (nguồn: Báo cáo khảo sát nhanh về tình hình việc làm, thu nhập của người lao động và tình hình sức khỏe tài chính của doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát).
Cần hiểu rằng, để sản xuất được thì buộc phải bảo vệ chuỗi cung ứng từ đầu vào đến đầu ra. Sự tắc nghẽn ở bất cứ khâu nào, địa phương nào cũng sẽ gây tác động xấu đến toàn bộ nền kinh tế.
Do đó, khi bàn đến “phục hồi kinh tế”, cần sớm có những quy định cụ thể cho từng lĩnh vực, ngành nghề, và trên hết cần một tư duy mang tính liên kết vùng, cần các dữ liệu và giải pháp sâu sát, cụ thể, không thể thực hiện theo kiểu “cát cứ theo từng địa phương” vì sẽ không hiệu quả. Bên cạnh đó, nhanh chóng đẩy mạnh tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho toàn thể người lao động nhanh nhất có thể vì đây mới chính là chìa khóa để phục hồi sản xuất lâu dài.
Vi Lâm