Ngày 18-9, Tỉnh ủy - UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Đồng Nai.
Ngày 18-9, Tỉnh ủy - UBND tỉnh đã tổ chức Hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) tại Đồng Nai. Đây có lẽ là buổi gặp gỡ chính thức với sự tham dự của nhiều doanh nghiệp FDI nhất kể từ khi làn sóng thứ 4 của dịch bệnh Covid-19 bùng phát và Đồng Nai trở thành một trong những địa phương “nóng” về dịch bệnh ở phía Nam. Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp đã chia sẻ, bộc bạch các vấn đề, khó khăn, thách thức với lãnh đạo chính quyền đến quá giờ trưa.
Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng trao đổi với các doanh nghiệp bên lề hội nghị. Ảnh: Huy Anh |
Qua nhiều ý kiến trao đổi, bức tranh toàn cảnh về sản xuất kinh doanh của khối FDI (khối đóng góp khoảng gần 70% tổng giá trị xuất nhập khẩu của tỉnh) hiện ra khá cụ thể. Trong 3 tháng qua, khoảng trên 1,1 ngàn doanh nghiệp FDI đã đăng ký các phương án trên để giữ nhịp sản xuất (tương ứng với hơn 73% doanh nghiệp FDI trên địa bàn tỉnh). Thoạt nghe qua, tỷ lệ duy trì sản xuất của khối FDI tại Đồng Nai khá lớn, song thực tế thì các nhà máy đa số chỉ hoạt động với công suất từ 20-60% nên không đáp ứng đủ yêu cầu các đơn hàng. Nhiều doanh nghiệp thực hiện phương án “3 tại chỗ” chỉ sau một thời gian ngắn đã tạm dừng sản xuất vì không thể kéo dài. Các doanh nghiệp có số lượng người lao động lớn, từ vài ngàn đến vài chục ngàn người buộc phải dừng hoạt động vì không thể bố trí nơi ăn chốn ở cho hàng ngàn công nhân.
Chính vì vậy, nhiều doanh nghiệp cho biết họ đang có nhiều gánh nặng tài chính ngay trước mắt. Tổng giám đốc một tập đoàn với trên 65 ngàn lao động cho biết số tiền “cứng” mà công ty phải trả cho mỗi tháng dừng hoạt động là 388 tỷ đồng, trong khi doanh thu không có. Một lãnh đạo doanh nghiệp lớn khác trong ngành giày dép cũng chia sẻ, các nhà máy lớn nhất trong chuỗi cung ứng toàn cầu của tập đoàn nằm ở Đồng Nai nên tình trạng dừng hoạt động kéo dài gây nên nhiều xáo trộn không chỉ tại Việt Nam mà còn trên quy mô quốc tế.
Thật ra, sự “nóng ruột” này không chỉ đến từ lãnh đạo doanh nghiệp mà chính quyền cũng lo lắng không kém, bởi hoạt động doanh nghiệp ảnh hưởng trực tiếp đến các chỉ tiêu phát triển kinh tế của Đồng Nai, ảnh hưởng đến thu ngân sách. Tỉnh xác định về lâu dài phải “sống chung với dịch”, nhưng là “sống chung một cách an toàn” chứ không thể “mở cửa” một cách cực đoan và “đánh cược” bằng sức khỏe hay tính mạng của người dân.
Hôm nay 20-9, là ngày Đồng Nai chính thức áp dụng kế hoạch từng bước phục hồi các hoạt động kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới (Kế hoạch 11102). Và đến nay, số ca nhiễm Covid-19 tại Đồng Nai đã vượt qua con số 40 ngàn, cho thấy dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp và cẩn trọng là cần thiết. Tuy nhiên, muốn thực hiện “mục tiêu kép” vừa khống chế dịch, vừa phục hồi kinh tế, vẫn cần những chính sách hiệu quả, cân bằng giữa đôi bên, tạo điều kiện cho doanh nghiệp từng bước quay lại hoạt động bình thường. Theo đó, cần hỗ trợ tối đa công tác phòng, chống dịch trong nhà máy, ưu tiên vaccine cho khối sản xuất, hỗ trợ để “đường đi” của các yếu tố cấu thành chuỗi sản xuất (người lao động, nguyên vật liệu, hàng hoá đầu ra)… một cách linh hoạt, hiệu quả.
Kim Ngân