Kế hoạch từng bước phục hồi kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới (Kế hoạch 11102) đã được toàn tỉnh thực hiện từ ngày 20-9.
Kế hoạch từng bước phục hồi kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới (Kế hoạch 11102) đã được toàn tỉnh thực hiện từ ngày 20-9. Một trong những vấn đề “nóng”, được sự quan tâm nhiều nhất vẫn là làm sao để doanh nghiệp (DN) từng bước tổ chức lại sản xuất như trước kia trong trạng thái “bình thường mới”: nghĩa là vừa phải đảm bảo sản xuất, vừa đảm bảo phòng, chống dịch Covid-19 - tức là sản xuất chú trọng yếu tố an toàn.
Thống kê sơ bộ từ Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai cho thấy, trong 3 tháng qua, có khoảng 600 DN buộc phải tạm dừng sản xuất và hơn 1,1 ngàn DN tuy vẫn duy trì sản xuất nhưng số lao động chỉ từ 20-60% so với trước kia. Toàn bộ số DN này cùng hàng ngàn DN khác ở ngoài khu công nghiệp đều đang ráo riết chuẩn bị để quay trở lại “guồng quay” sản xuất, kinh doanh, nhất là khi thời điểm cuối năm - mùa cao điểm của các đơn hàng - đang đến.
Từ ngày 20-9, Kế hoạch 11102 của tỉnh đã đặt ra một số tiêu chí, yêu cầu để DN có thể căn cứ vào đó tiến hành “mở” lại sản xuất một cách an toàn, từng bước tiến đến trạng thái “bình thường mới trong sản xuất”. Trên thực tế, một số DN chia sẻ, vẫn còn những khó khăn trong đáp ứng các yêu cầu của Kế hoạch 11102 ở bối cảnh hiện tại, đặc biệt là các yêu cầu như: người lao động phải đến từ “vùng xanh”, phải được tiêm vaccine ít nhất 1 mũi (sau 14 ngày), có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 lần 1 bằng phương pháp test nhanh vào ngày thứ 1 và ngày thứ 3 bằng phương pháp RT-PCR (mẫu đơn hoặc mẫu gộp 5 hoặc mẫu gộp 10)…
Trong đó, băn khoăn lớn nhất vẫn là quy định người lao động phải ở “vùng xanh” thuộc các địa phương, bởi căn cứ tình hình hiện tại, khó có DN nào đảm bảo được đủ số lượng lao động đến từ “vùng xanh”, nhất là hiện tại, nguồn lao động nhìn chung đang thiếu hụt do khá nhiều người lao động nhập cư đã về quê, còn các địa phương chuyên “cung cấp” lao động cho các nhà máy sản xuất hiện tại đa phần đều là các “vùng cam”, vàng, đỏ như: Biên Hòa, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Trảng Bom…
Vậy nên hiện tại, dù được trao quyền chủ động nhiều hơn trong việc thiết kế các phương án sản xuất an toàn trong thời dịch, có nhiều kinh nghiệm hơn về tổ chức sản xuất thời dịch, song sau ngày 20-9, chưa nhiều DN có thể tái sản xuất như bình thường, nhất là những DN sử dụng số lượng lao động lớn.
Hiện tại, với kế hoạch tiến tới trạng thái “bình thường mới” trong hoạt động thường nhật cũng như trong sản xuất, kinh doanh, 2 mũi nhọn mà tỉnh đang ráo riết thực hiện là giảm số ca nhiễm xuống mức thấp nhất và tăng cường phủ rộng vaccine. Nói cho cùng, dù có “sốt ruột” cách mấy trong việc phục hồi kinh tế thì việc tổ chức phục hồi sản xuất cho DN trên quy mô lớn cũng chỉ có thể thực hiện khi vaccine đã bao phủ đủ rộng và người lao động thực sự được an toàn trong nhà máy. Những khó khăn, thách thức trước mắt cần đến sự sẻ chia và chung tay giải quyết của cộng đồng DN, bởi chỉ khi yếu tố an toàn được giải quyết thì hoạt động sản xuất, kinh doanh mới thật sự được tái lập một cách vững bền.
Kim Ngân