Chỉ hơn 2 tháng toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch bệnh, toàn tỉnh đã phát hiện hơn chục ngàn trường hợp vi phạm...
[links()]Chỉ hơn 2 tháng toàn tỉnh thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để phòng, chống dịch bệnh, toàn tỉnh đã phát hiện hơn chục ngàn trường hợp vi phạm Chỉ thị 16, cũng như các quy định phòng, chống dịch bệnh khác. Qua đó cho thấy ý thức phòng, chống dịch bệnh của một bộ phận người dân chưa cao. Đây cũng là một trong những lý do khiến dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, số ca nhiễm mới còn cao.
Tổ tuần tra, kiểm soát cơ động của Công an tỉnh lập biên bản xử phạt hành chính một trường hợp vi phạm Chỉ thị 16 của Chính phủ ở TP.Biên Hòa. Ảnh: Trần Danh |
Điều đáng quan tâm hiện nay là ngoài những lỗi vi phạm phổ biến như: ra đường khi không thực sự cần thiết, không đeo khẩu trang, tụ tập đông người… thì những tuần gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tục xảy ra các vụ vi phạm pháp luật với thủ đoạn táo bạo, mang tính chất nguy hiểm, có nguy cơ gây lây nhiễm dịch bệnh cao trong cộng đồng. Cụ thể như: trốn khỏi khu cách ly y tế tập trung, làm giả giấy tờ để đi qua chốt kiểm soát dịch, làm giả giấy chứng nhận tiêm vacine ngừa Covid-19, chống người thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát phòng dịch…
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an, lãnh đạo tỉnh, thời gian qua, lực lượng Công an tỉnh đã chủ động triển khai nhiều giải pháp siết chặt hơn nữa biện pháp giãn cách xã hội với quyết tâm ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững trật tự, kỷ cương trong thời điểm dịch bệnh bùng phát. Nhiều vụ vi phạm pháp luật liên quan đến quy định phòng, chống dịch bệnh sớm bị phát hiện, xử lý, trong đó có không ít vụ việc nhanh chóng được lực lượng công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra làm rõ và chuyển các cơ quan tố tụng xử lý theo đúng quy định pháp luật. Các cơ quan tố tụng khác như: Viện KSND và TAND cũng phối hợp chặt chẽ với ngành Công an sớm truy tố, xét xử các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến quy định phòng, chống dịch bệnh.
Sự quyết liệt trong xử lý các vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh nêu trên thực sự tạo sức răn đe, giáo dục rất lớn. Do đó, việc làm này cần được tiếp tục phát huy trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, để ngăn ngừa, hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật, nhiều hội, đoàn thể, chính quyền địa phương còn tăng cường tuyên truyền, giáo dục pháp luật để người dân hiểu rõ, hạn chế những lỗi vi phạm do thiếu hiểu biết về pháp luật. Đặc biệt, nhiều cơ quan, ban, ngành, hội, đoàn thể lập ra các fanpage trên mạng xã hội (Facebook, Zalo) để phổ biến, tuyên truyền pháp luật cho hội viên, đoàn viên và người dân.
Đây là những kênh tuyên truyền khá hữu hiệu vì dễ tiếp cận với đông đảo người dân trong thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp. Do đó, thời gian tới, để nâng chất tuyên truyền pháp luật trên các kênh này, ngoài việc chú trọng xây dựng, cập nhật nội dung phổ biến giáo dục pháp luật sinh động, gần gũi, dễ hiểu, dễ nhớ, phù hợp với đoàn viên, hội viên của mình thì đơn vị chủ quản cũng cần tăng cường các bài viết phản biện lại những thông tin xấu, độc, thông tin sai sự thật về tình hình dịch bệnh cũng như những nỗ lực trong công tác phòng, chống dịch bệnh của các ngành chức năng và chính quyền các địa phương. Qua đó nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trong công tác phòng, chống dịch bệnh; đồng thời, củng cố niềm tin của nhân dân vào chủ trương, sự quyết tâm chiến thắng đại dịch của cả nước nói chung và Đồng Nai nói riêng.
Đặng Ngọc