Báo Đồng Nai điện tử
En

Để nông dân an tâm đầu tư sản xuất

08:10, 17/10/2021

Nhiều năm nay, dù xác định việc phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là một trong những mục tiêu lớn, song nông nghiệp vẫn luôn là "trụ đỡ" của cả nền kinh tế, nhất là trong những giai đoạn khó khăn như dịch bệnh Covid-19.

Nhiều năm nay, dù xác định việc phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo là một trong những mục tiêu lớn, song nông nghiệp vẫn luôn là “trụ đỡ” của cả nền kinh tế, nhất là trong những giai đoạn khó khăn như dịch bệnh Covid-19. Trong 9 tháng qua, tăng trưởng xuất khẩu của cả nước bị ảnh hưởng khá nhiều bởi dịch bệnh. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ. Nhập khẩu ước khoảng 32,2 tỷ USD, tăng 41,6%. Như vậy, trong 9 tháng, xuất siêu ngành Nông nghiệp đạt trên 3,3 tỷ USD. Con số này được đánh giá là “kỳ tích” trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.

Mặc dù gặp nhiều khó khăn do là một trong 4 tỉnh, thành phía Nam bị tác động mạnh nhất từ “làn sóng dịch thứ tư” diễn ra suốt từ cuối tháng 5-2021 đến nay, song tại Đồng Nai, ngành nông nghiệp cũng có nhiều “điểm sáng”. Ví dụ, kim ngạch xuất khẩu của nhiều mặt hàng nông sản chủ lực trên địa bàn tỉnh đạt mức tăng trưởng ấn tượng như: hạt điều tăng trên 13%, hạt tiêu tăng gần 66,3%, cao su tăng gần 100%...

Bộ NN-PTNT đang đặt ra kỳ vọng sản xuất nông nghiệp sẽ phục hồi mạnh mẽ trong những tháng cuối năm 2021, đặc biệt khi nhiều địa phương trọng điểm về kinh tế đã phủ rộng vaccine, nới lỏng giãn cách và đang bắt tay vào phục hồi kinh tế.

Tuy nhiên, phục hồi sản xuất nông nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, thách thức lớn cần được tháo gỡ nhanh chóng. Trong đó, khó khăn lớn nhất và trực tiếp nhất là giá phân bón, thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản tăng mạnh với mức tăng từ 20-70% so với đầu năm 2021. Ngoài ra, các mặt hàng phụ gia thực phẩm, phẩm màu, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm… cho đến chi phí nhân công ngành Nông nghiệp cũng đang tăng khiến nông dân, doanh nghiệp “than trời” khi bắt đầu mùa vụ mới.

Bên cạnh đó, trong đại dịch, những điểm yếu và những nghịch lý tồn tại lâu nay của ngành nông nghiệp lại đang lộ rõ hơn. Chẳng hạn, đầu ra sản phẩm gặp nhiều khó khăn do nhiều địa phương phát sinh nhiều quy định phòng dịch thiếu đồng bộ về luân chuyển hàng hóa, xuất nhập khẩu khó khăn hơn vì chuỗi cung ứng toàn cầu đứt gãy; hoặc giá bán sản phẩm tại chuồng trại “rớt”, nhưng giá bán lẻ trên thị trường không giảm đồng nào.

Tại Đồng Nai, 2 mặt hàng chăn nuôi chiến lược là heo và gà hiện đang gặp rất nhiều khó khăn khi giá bán không đủ bù chi phí sản xuất vì giá thức ăn và giá con giống tăng cao. Giá heo hơi đang ở mức 39 ngàn đồng/kg trong khi muốn sản xuất được 1kg heo hơi, doanh nghiệp sản xuất theo quy mô lớn và chuyên nghiệp mất khoảng 45-48 ngàn đồng, còn nông dân chăn nuôi quy mô nhỏ mất khoảng 60-65 ngàn đồng, nghĩa là ngành nuôi heo đang chịu lỗ từ 16-36 ngàn đồng/kg heo hơi. Tương tự, người nuôi gà cũng đang lỗ từ 7-10 ngàn đồng/kg gà do giá bán giảm mạnh suốt thời gian qua.

Như vậy trước mắt để phục hồi sản xuất nông nghiệp, nông dân và doanh nghiệp trong ngành đề ra mong muốn cấp bách nhất là Chính phủ, Bộ NN-PTNT cùng các địa phương cần mau chóng có giải pháp bình ổn giá vật tư đầu vào, con giống, giá thức ăn chăn nuôi, bên cạnh đó là các giải pháp khác về hạ lãi suất, giảm thuế, khoanh nợ, giãn nợ… để nông dân an tâm đầu tư sản xuất.

Vi Lâm

Tin xem nhiều