Báo Đồng Nai điện tử
En

Điểm sáng xuất khẩu trong bức tranh đầy thách thức

08:01, 17/01/2022

Năm 2021, nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên đối mặt với tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có trong lịch sử cả về y tế, kinh tế, xã hội.

Năm 2021, nền kinh tế Việt Nam lần đầu tiên đối mặt với tác động nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng toàn cầu chưa từng có trong lịch sử cả về y tế, kinh tế, xã hội. Làn sóng dịch bệnh Covid-19 bùng phát lần thứ 4 đã tác động lớn đến mọi mặt của nền kinh tế, nhiều chuỗi sản xuất có nguy cơ bị đứt gãy, sức mua trong nước sụt giảm mạnh, người lao động trong các khu công nghiệp và lao động tự do bị ảnh hưởng nặng nề.

Tuy nhiên, từ tháng 10-2021, các doanh nghiệp (DN) bước vào quỹ đạo phục hồi, dần thích ứng linh hoạt với dịch bệnh nên sản xuất, xuất khẩu tăng trưởng trở lại. Kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa năm 2021 của Việt Nam ghi nhận kỷ lục mới với 668,5 tỷ USD, tăng 22,6% so với năm trước đó. Trong đó, xuất khẩu đạt 336,25 tỷ USD, tăng 19%; nhập khẩu 332,25 tỷ USD, tăng 26,5%. Cán cân thương mại năm 2021 nghiêng về phía Việt Nam với xuất siêu 4 tỷ USD.

Theo Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn giữ được mức tăng trưởng cao là do Chính phủ có những quyết sách kịp thời giúp DN vượt qua khó khăn, phục hồi sản xuất. Bên cạnh đó, các DN cũng nỗ lực tận dụng các cơ hội từ những hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết để vừa mở rộng thị trường xuất khẩu, vừa khôi phục sản xuất. Bước sang năm 2022, kinh tế Việt Nam tiếp tục có những thuận lợi, thách thức đan xen và dịch bệnh Covid-19 có thể diễn biến phức tạp, rủi ro gia tăng. Nhưng bằng kinh nghiệm, năng lực, khả năng ứng phó dịch bệnh tiếp tục được nâng lên, Chính phủ tin tưởng các DN sẽ vượt qua và tiếp tục ổn định sản xuất, kinh doanh, mở rộng xuất khẩu sang nhiều nước.

Hiện nay, Việt Nam đã ký kết 15 FTA với nhiều quốc gia và điều này hứa hẹn sẽ đem lại những cơ hội cho tăng trưởng kinh tế, đa dạng hóa thị trường xuất, nhập khẩu. Thời gian qua, các DN đã khai thác rất hiệu quả những lợi thế từ các FTA nên kim ngạch xuất khẩu vẫn gia tăng và Việt Nam trở thành một trong 20 nền kinh tế có thương mại lớn nhất thế giới.

Một số chuyên gia kinh tế nhận định, năm 2022, thị trường xuất khẩu sẽ tiếp tục được mở rộng ở nhiều quốc gia. Đặc biệt là với một “siêu thị trường” đến từ các quốc gia cùng tham gia những FTA quan trọng như: CPTPP, EVFTA, RCEP, UKVFTA, các ngành sản xuất, xuất khẩu chính của Việt Nam như: dệt may, giày dép, sản phẩm gỗ, linh kiện điện tử, nông sản, thủy sản… cũng đã đưa ra kế hoạch sẽ tăng trưởng trên 10% so với năm 2021. Nhưng nhiều dự đoán cho rằng, khả năng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam năm 2022 sẽ tăng 16-20% so với năm 2021.       

Tại Đồng Nai, kế hoạch xuất khẩu năm 2022 đề ra sẽ tăng 8-8,5% so với năm trước, nhưng với nhiều dự án trong nước, nước ngoài đang được gấp rút đầu tư để hoàn thành, đưa vào hoạt động, các DN Đồng Nai được đánh giá khai thác khá tốt những lợi thế từ những FTA thì khả năng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh sẽ đạt những thành tựu mới trong “bức tranh” kinh tế 2022 nhiều thách thức. V.L

Vi Lâm

Tin xem nhiều
Liên kết hữu ích