Báo Đồng Nai điện tử
En

Thay đổi từ gốc

08:01, 03/01/2022

Ngay ngày đầu năm mới 2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - hiệp định thương mại tự do (FTA) được kỳ vọng nhất từ trước đến nay đã chính thức có hiệu lực. RCEP còn được gọi là một "siêu FTA" do có độ bao phủ thị trường rộng nhất trong các FTA từ trước đến nay với sự tham gia của 10 quốc gia trong khối ASEAN cùng 5 quốc gia khác là: Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand.

Ngay ngày đầu năm mới 2022, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) - hiệp định thương mại tự do (FTA) được kỳ vọng nhất từ trước đến nay đã chính thức có hiệu lực. RCEP còn được gọi là một “siêu FTA” do có độ bao phủ thị trường rộng nhất trong các FTA từ trước đến nay với sự tham gia của 10 quốc gia trong khối ASEAN cùng 5 quốc gia khác là: Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand. “Siêu FTA” này được cho là tạo thành một thị trường với quy mô 2,2 tỷ người tiêu dùng, GDP lên tới 26.200 tỷ USD, chiếm khoảng 30% GDP toàn thế giới.

Với RCEP, hàng hóa của Việt Nam sẽ chính thức tham gia vào một sân chơi mới. Theo lộ trình cam kết, các nước đối tác sẽ xóa bỏ thuế quan cho hàng hóa từ 30-100% số dòng thuế ngay khi hiệp định này có hiệu lực. Còn tỷ lệ xóa bỏ thuế quan Việt Nam dành cho ASEAN là 90,3%; Australia và New Zealand 89,6%; Nhật Bản, Hàn Quốc 86,7% và Trung Quốc là 85,6%.

RCEP cũng được thiết kế nhằm cắt giảm chi phí và thời gian cho các thương nhân khi cho phép họ xuất khẩu hàng hóa sang bất kỳ quốc gia ký kết thỏa thuận nào mà không cần đáp ứng các yêu cầu riêng biệt của từng quốc gia (nguồn: Bộ Công thương).

Như vậy, RCEP sẽ đem đến rất nhiều cơ hội mới cũng như thách thức mới cho hàng hóa Việt Nam, trong đó có một phần rất lớn là các sản phẩm nông nghiệp. Nó đòi hỏi sự thay đổi tư duy linh hoạt nhất có thể để nắm bắt cơ hội và hạn chế khó khăn, cả trên “sân khách” lẫn “sân nhà”.

Dẫn chứng một sự kiện kinh tế lớn ngay từ đầu năm để thấy rằng, thích nghi với tình hình mới là yêu cầu hiển nhiên của mọi ngành, trong đó có ngành Nông nghiệp. Thực tế cho thấy, nhiều năm nay, dù Chính phủ ra sức khuyến khích, kêu gọi đầu tư đổi mới sản xuất nông nghiệp, đi kèm đó là đẩy mạnh các khâu chế biến, xây dựng thương hiệu, tiêu thụ… nông sản, dần loại bỏ tập quán sản xuất manh mún và thoát dần thế yếu trong tiêu thụ, song sự đổi mới vẫn chưa thực sự đồng đều.

Với phần lớn nông sản xuất thô đến các thị trường “dễ tính”, chủ yếu là thị trường Trung Quốc, nông sản Việt Nam được cho là vẫn đang bán những gì mình có chứ không phải là bán những gì thị trường cần. Điều này gây nên rất nhiều sự lệch pha đầy hệ lụy giữa sản xuất và tiêu thụ, khiến tình trạng được mùa - mất giá và mất mùa - được giá lặp đi, lặp lại nhiều năm.

Các FTA lẫn dịch bệnh Covid-19 được xem là những tác động kép để nông dân, doanh nghiệp thay đổi tư duy, nỗ lực nâng cao năng lực sản xuất, chế biến, tiêu thụ để thích nghi và tồn tại. Theo dự đoán, thuế có thể giảm, những hàng rào kỹ thuật, các tiêu chuẩn nhập khẩu của hầu hết quốc gia sẽ ngày một “siết” thêm, nên ngành Nông nghiệp càng cần đổi mới nhanh, mạnh mẽ để kịp thời thích nghi với tình hình mới; bởi một khi nội lực thực sự mạnh thì dù tham gia vào sân chơi nào, luật chơi ra sao, nông sản Việt Nam cũng sẽ tự tin chiến thắng.

Vi Lâm

 

Tin xem nhiều