Từ năm 2021 đến nay, ngoài những tác động bởi đại dịch Covid-19, giá xăng dầu liên tục tăng cao thì giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) liên tục tăng đã gây ra nhiều khó khăn cho người chăn nuôi.
Từ năm 2021 đến nay, ngoài những tác động bởi đại dịch Covid-19, giá xăng dầu liên tục tăng cao thì giá thức ăn chăn nuôi (TĂCN) liên tục tăng đã gây ra nhiều khó khăn cho người chăn nuôi. Đây cũng là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội chất vấn các thành viên Chính phủ tại Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV vừa qua.
Thực tế thời gian qua, khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, các hoạt động kinh tế - xã hội dần hồi phục thì việc tiêu thụ các sản phẩm chăn nuôi trở nên thuận lợi hơn, giá các sản phẩm chăn nuôi như: thịt gà, thịt heo, tôm, cá, trứng… ở mức cao, nhưng người chăn nuôi vẫn chưa mạnh dạn tái đàn, đầu tư mở rộng chuồng trại vì giá nguyên liệu đầu vào như: TĂCN, thuốc chữa bệnh cho vật nuôi… tăng cao, khiến cho người nông dân chẳng thu được lợi nhuận, thậm chí thua lỗ sau mỗi đợt nuôi.
Nguyên nhân giá TĂCN tăng cao đã được chỉ ra tại kỳ họp Quốc hội vừa qua là vì giá nguyên liệu sản xuất TĂCN liên tục tăng cao, trong khi chúng ta chưa chủ động được nguồn nguyên liệu, phải nhập khẩu đến 60% nguyên liệu sản xuất TĂCN.
Điều đó cho thấy có sự bất hợp lý khi Việt Nam có nền nông nghiệp phát triển, nhiều mặt hàng nông sản xuất khẩu đứng đầu thế giới, thậm chí nhiều loại nông sản của chúng ta làm ra xuất khẩu không hết vì bị ép giá, bị ùn ứ ở cửa khẩu dẫn đến phải đổ bỏ.
Để giải bài toán phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu, qua đó kiểm soát giá TĂCN, rõ ràng cần phải quy hoạch lại cơ cấu sản xuất nông nghiệp phù hợp hơn, quy hoạch các vùng trồng bắp, các loại cây trồng có thể dùng sản xuất TĂCN để chủ động nguồn nguyên liệu đầu vào.
Như tại Đồng Nai, là “thủ phủ” chăn nuôi của cả nước, nơi đặt chân của nhiều nhà máy chế biến TĂCN, Đồng Nai luôn quan tâm sản xuất nguồn nguyên liệu sản xuất TĂCN, hiện là tỉnh có diện tích trồng bắp thuộc tốp đầu của cả nước. Chỉ tính riêng vụ Đông Xuân 2021-2022, toàn tỉnh gieo trồng hơn 9,6 ngàn ha bắp, thuộc nhóm đầu về diện tích trong nhóm cây trồng hằng năm của tỉnh. Nhiều địa phương của tỉnh đã xây dựng vùng chuyên canh cây bắp, xây dựng chuỗi liên kết để cây bắp có chỗ tiêu thụ.
Hy vọng đang mở ra với người chăn nuôi khi trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về giá cả, thị trường nguồn nguyên liệu đầu vào, Bộ trưởng NN-PTNT Lê Minh Hoan cho biết, đã giao cho các đơn vị của Bộ tiếp tục nghiên cứu các mô hình nông nghiệp tuần hoàn, phần nào tự sản xuất TĂCN, thuốc sinh học… để góp phần giảm đà tăng giá nguyên liệu sản xuất TĂCN, cũng như sản xuất nông nghiệp. Đây không phải là giải pháp tạm thời đối phó tình huống mà về lâu dài cũng là giải pháp để hữu cơ hóa, sinh học hóa nền nông nghiệp.
Phó thủ tướng Lê Văn Thành cũng cho biết, Chính phủ sẽ chỉ đạo rà soát, đánh giá tổng thể nhu cầu về nguyên liệu chế biến TĂCN. Từ đó, quy hoạch xây dựng các vùng sản xuất phục vụ ngành công nghiệp TĂCN, từng bước tự chủ nguồn cung, giảm nhập khẩu để không lệ thuộc vào thị trường thế giới, góp phần ổn định và giảm chi phí đầu vào cho sản xuất.
Phạm Mai